Phạm âm hải triều âm
thắng bỉ thế gian âm…
jala-dhara-garjita brahma-susvaraḥ
svara-maṇḍala-pāramim gataḥ…
Dẫn nhập
Tiếng nói là dấu ấn của tâm thức, là giai điệu bồng bềnh của cuộc sống. Một thanh âm được phát ra, dù không được con người gắn cho nó một ý nghĩa quy chỉ nào thì tự thân nó cũng đã mang trong mình những giá trị siêu việt, bởi nó là kết tinh của một chuỗi kinh nghiệm từ vô lượng kiếp. Chính vì thế, nhiều khi ý nghĩa thực thụ của ngôn ngữ không nằm trong giới hạn của những khái niệm khuôn khổ mà con người ấn định. Thay vào đó, nó phá vỡ mọi cung bậc duy lý để đánh động những vùng u tối nhất và linh diệu nhất của tâm tư, gợi lên cho người nghe những cảm xúc không thế nào cầm nỗi.
Người xuất gia mới bước vào cửa thiền, dù chưa hiểu sắc-không cũng đã thuộc làu Tâm Kinh Bát Nhã, dù chưa nói tròn tên mình cũng phải tập tụng chú Lăng Nghiêm. Đó là vì lẽ gì? Là vì sự huyền diệu của âm thanh vậy. Cho nên, ngài Nghĩa Tịnh mới đặt chân lên đất Ấn đã phải run lên trong niềm cảm khái thiêng liêng khi nghe tăng chúng tại tu viện Na Lan Đà tụng các bài tán kệ (Nance, 2014, 16; Nghĩa Tịnh, Đại 54, số 2125, 227b):
Lời hay mà nghĩa cao vời
Ngọt ngào chân thật tùy thời mở thâu
Lúc ngắn gọn chỉ nửa câu
Lúc thì phô diễn biển sâu diệu từ.
Nghe rồi hoan hỷ tâm tư
Mấy ai không cảm ngôn từ lạ thay!
Dù ai ác ý sâu dày
Cũng bị tuệ giác chuyển lay trong lòng.
Lời lẽ thiện xảo thong dong
Lúc cần cũng chuyển đôi dòng khác đi
Mục đích ắt đạt mọi khi
Đúng là chân thật diệu vi khôn lường.
Nhuyến nhu cùng với thô cường
Tùy việc mà độ mười phương hữu tình
Thánh trí lời lẽ diệu minh
Chỉ đồng một vị đẳng bình mà thôi.[1]