Thứ Năm, tháng 7 12, 2018

NHẬN ĐỊNH VỀ CÂU NÓI “NGƯỜI KHÔNG VÌ MÌNH TRỜI TRU ĐẤT DIỆT”


Mới đây, một phật tử gửi cho xem bài viết “Hãy dừng hiểu sai câu: Người không vì mình trời tru đất diệt” của tác giả Bọ Cạp đăng trên VTC NEWS (https://vtc.vn/hay-dung-hieu-sai-cau-nguoi-khong-vi-minh-troi-tru-dat-diet-d230619.html), tôi cảm thấy vô cùng sửng sốt khi đọc thấy bài viết lý giải câu nói “người không vì mình trời tru đất diệt” có nguồn gốc từ trong kinh Phật, hơn nữa còn ghi rõ: ‘Người không vì mình, trời tru đất diệt” là câu nói có xuất xứ từ Phật thuyết thập thiện nghiệp đạo kinh”. Trong tập 24 của kinh có viết câu: “Nhân sinh vi kỷ, thiên kinh địa nghĩa, nhân bất vi kỷ, thiên tru địa diệt”.’

Nếu là người từng làm việc với kinh điển Phật giáo, tất nhiên sẽ thấy nhận định trên có vấn đề. Tại sao nói vậy?
Thứ nhất, đó là khẩu khí của câu nói. Phật giáo chưa bao giờ chấp nhận vai trò của “trời” và “đất” như là những đấng quyền năng, hay chí ít chỉ là những chủ thể có nhân cách. Quan niệm trời và đất theo kiểu này chính là của người Trung Hoa. Phật giáo dù nói đến các loài thiên thần (chúng sinh ở các cõi trời) và địa thần nhưng không trao cho họ vai trò quyết định nào liên quan đến việc làm (nghiệp) của kẻ khác.
Thứ hai, kinh Thập Thiện Nghiệp Đạolà một bản kinh ngắn, chỉ gồm một quyển trong Đại tạng kinh (Đại tạng kinh, tập 15, kinh số 600, trang 157c-159b). Nói “tập 24 của kinh” là đã phản bội lại sự khẳng định vừa mới nêu ra.
Thứ ba, về ý nghĩa của câu nói, dù bài viết đã cố gắng giải thích câu nói theo ý nghĩa tu tập của Phật giáo, nhưng đó chỉ là những giải thích áp đặt, khiên cưỡng. Phật giáo luôn đề cao tinh thần vị tha, lấy tấm lòng vị tha làm kim chỉ nam cho mọi hành động và từ đó hình thành lý tưởng bồ tát đạo. Điều này đã rõ, không phải bàn cãi nữa.
Thế thì, nhận định trên từ đâu mà có? Thực ra, bài viết của tác giả Bọ Cạp lấy lại ý từ một số thông tin tản mát trên mạng của người Trung Quốc. Tuy nhiên, đó là một lý giải nhầm lẫn. 
Thực ra, câu nói “nhân bất vị kỷ, thiên tru địa diệt” mà tác giả Bò Cạp cho là “có xuất xứ từ Phật thuyết thập thiện nghiệp đạo kinh” ở trên là một sự nhầm lẫn từ phía những người Trung Quốc, tác giả Bò Cạp chỉ phiên dịch lại những nội dung sai lầm đó mà không có sự nhận định đúng đắn. Theo sự tìm hiểu của người viết bài này, câu nói này không tồn tại trong kinh Phật, nó vốn được Pháp sư Tịnh Không đề cập đến trong loạt bài “Giảng giải vềThập Thiện Nghiệp Đạo Kinh.” Trong tập 24 của loạt bài giảng này, Pháp sư Tịnh Không dẫn lại câu chuyện kể về một vị khách đã hỏi ngài ý nghĩa của câu đó. Pháp sư cũng đã giải thích đó là một câu nói không thuộc loại “chánh kiến”. Ngài nói: “Đây là một câu nói sai lầm, không có chánh kiến, đã khiến rất rất nhiều người lầm lạc. Thế nào được gọi là chánh kiến? Con người nên vì xã hội, vì chúng sinh, không nên chỉ vì bản thân, đây mới là chánh tri chánh kiến.” (Pháp sư Tịnh Không, Giảng giải về Phật thuyết thập thiện nghiệp đạo kinh, tập 24).
Về nguồn gốc thực sự của câu nói này đến nay chúng ta vẫn chưa rõ. Đã có nhiều tác giả Trung Quốc tìm kiếm và đưa ra một số nhận định nhưng không đủ sức thuyết phục vì không đúng nguyên văn hoặc sự ra đời tương đối muộn. Điều này cũng là một điều rất bình thường đối với nhiều câu ngạn ngữ của bất cứ dân tộc nào.
Thiết nghĩ, câu nói “nhân bất vị kỷ, thiên tru địa diệt” là một lời tự bào chữa của những người theo chủ nghĩa vị kỷ, sống bất chấp thiện ác chỉ cầu lợi cho bản thân. Lấy câu nói này gán cho kinh Phật thì thật là một điều ngụy tạo trắng trợn và nguy hiểm, cúi xin quý Phật tử lắng lòng suy tư để thấy được điều đó.
Thích Thanh Hòa

Không có nhận xét nào: