Phật Giáo đặt mục đích tối hậu vào sự đạt đạo, đó là một đích đến vượt lên trên cuộc đời nhưng không xa lìa cuộc đời. Trên hành trình hướng đến mục đích cao cả đó, cuộc đời là nền tảng cho sự tu tập cũng như ruộng đồng là nơi nông dân cày cấy để có mùa màng thu hoạch. Chính vì vậy, trong Phật Giáo, có nhiều pháp tu được hình thành từ trong nếp sống thường nhật của thế gian, và cũng từ đó, Phật pháp hòa quyện với cuộc sống, với văn hóa địa phương. Một trong những sự thích ứng này chính là truyền thống thờ cúng Ông Bà với pháp hồi hướng công đức cho người thân, gồm cả quá cố cũng như hiện còn.
Nhìn từ quan niệm tu tập, đức Phật chỉ quan tâm đến sự giác ngộ giải thoát, cho nên hệ thống kinh điển căn bản vốn không đề cập đến những việc hành xử của thế gian, đặc biệt những việc liên quan đến sự xây dựng và củng cố mối ràng buộc tình cảm hay huyết thống. Chẳng hạn, một bài kệ trong Kinh Tập(Sutta-Nipāta) thuộc Kinh Tiểu Bộdạy:
Bỏ nhà sống kiếp vô gia
Cắt dây ràng buộc cửa nhà thôn hương
Không tham, không ước vấn vương
Không tranh thua được thói thường thế gian.[1]