Thứ Sáu, tháng 12 27, 2019

PHÉP QUÁN ĐẢNH

Quán đảnh (灌頂abhieka) được định nghĩa một cách khái quát là “hành động hay nghi thức ban ý nghĩa tôn giáo (thánh phước) cho những đồ vật, nơi chốn, hoặc con người; thông thường được thực hiện nhờ vào năng lực và sự thánh thiện” (Bowker, tr. 234). Trong Phật giáo, quán đảnh đã được miêu tả như một nghi thức biến đổi một pho tượng hoặc một ngôi tháp từ một vật thể thế tục thành tinh tủy của một đức Phật (Bentor 1997). Vật được quán đảnh không chỉ có những pho tượng và tháp mà còn bao gồm cả những tranh, sách, và những đồ vật khác mang ý nghĩa tượng trưng. Abhieka, từ tiếng Phạn này thường được dịch là “consecration—quán đảnh”, mở rộng ý nghĩa này bao gồm cả vương vị (rājābhieka) và chỉ định cho những hành động hay nghi thức mà đặc biệt là việc rưới hoặc xoa bằng nước thánh. Mục này bàn đến các nghi thức thánh hóa những đồ vật tiêu biểu, đặc biệt trong sự thờ cúng của Phật giáo, cụ thể là những tượng và xá lợi được thờ trong bảo tháp, ngoại trừ những nơi thiêng liêng như tự viện và những nhân vật tôn kính như các cao tăng hoặc vua chúa. Hơn nữa, dù thanh tẩy bằng nước là yếu tố đặc thù trong các nghi thức quán đảnh, bài viết này còn mở rộng ý nghĩa của abhieka vượt lên trên hành động thoa xức để kể đến nhiều kỹ thuật và dụng cụ mà qua đó những vật dụng trên được thánh hóa, làm cho chúng trở thành có năng lực và tốt lành cả về những gì chúng tượng trưng hay biểu trưng cho cũng như những gì chúng trở thành thông qua việc quán đảnh. Chẳng hạn như, một tượng Phật đã được quán đảnh đồng thời tượng trưng và là sự hiện diện sống động của đức Phật, trong khi một tượng chưa được quán đảnh chỉ tượng trưng cho Đấng giác ngộ mà thôi.

Thứ Năm, tháng 12 26, 2019

GIỚI THIỆU THUYẾT A-LẠI-DA THỨC CỦA DUY THỨC PHÁI: DÒNG TÂM THỨC TIỀM TÀNG VÀ TƯƠNG TỤC BÊN DƯỚI SỰ BIẾN CHUYỂN KHÔNG NGỪNG

1. Vài nét về Duy Thức Phái
Duy Thức Phái là một trường phái Phật Giáo Đại Thừa. Trường phái này thường được biết đến với hai tên gọi khác nhau tùy thuộc vào khía cạnh tiếp cận. Thứ nhất, xét trên phương diện quan điểm giáo lý đặc thù, trường phái này được gọi là Duy Thức Phái (Vijñaptimātra), có nghĩa là ‘giáo lý chủ trương rằng tất cả mọi hiện tượng chỉ là sự biểu hiện của thức,’ nói gọn là ‘Duy Thức.’ Thứ hai, xét trên phương diện phương pháp thực hành, trường phái này có tên khác là Du-già Hành Phái (Yogācāra), hiểu theo nghĩa chiết tự là ‘sự/người thực hành (ācāra) du-già (yoga).’ Ở một nghĩa khái quát hơn, tên gọi này có thể được hiểu là ‘phương pháp tu tập tâm bằng thực hành thiền.’ Như tên gọi Du-già Hành chỉ ra, trường phái này đặt trọng tâm ở sự thực hành du-già—trong ngữ cảnh Phật Giáo đó chính là thực hành thiền—như một pháp môn để đạt được sự giải thoát rốt ráo.

Thứ Hai, tháng 9 23, 2019

Núi Đôi Cô Tiên

Núi cao mây xuống thẹn thùng

Đá chong chanh đá hoa rừng liêu xiêu

Bóng nàng sơn nữ yêu kiều

Một chiều như thể phiêu diêu cõi bồng. 

- Núi Đôi Cô Tiên, Quản Bạ 23.9.2019

Thứ Hai, tháng 8 12, 2019

HÓA GIẢI XUNG ĐỘT DƯỚI QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO


I. Giới thiệu chung
Xung đột là một hiện tượng phổ biến. Nó hiện diện khắp mọi ngõ ngách của cuộc sống, từ trong những mối quan hệ cá nhân, gia đình, thậm chí trong từng cá nhân, đến giữa các tổ chức hội đoàn, và lớn hơn nữa, trong các mối bang giao quốc tế. Xung đột cũng là một vấn đề xưa cũ như lịch sử của con người bởi từ khi con người đặt chân lên trái đất thì xung đột cũng đã tùy theo đó mà hiện diện và nó sẽ còn tồn tại cùng với sự hiện diện của con người. Ở một chừng mực nào đó, xung đột là điều cần thiết cho sự phát triển nhưng nếu không được giải quyết hay hóa giải, nó sẽ là nguồn cội của đau khổ và đổ vỡ.
Trong khuôn khổ tham khảo và bổ sung để làm giàu thêm các nguyên tắc hóa giải xung đột, Phật Giáo với đặc trưng hướng nội sẽ giúp người làm công tác hóa giải nhìn sâu hơn vào gốc rễ của vấn đề, tạo cơ hội để chuyển hóa xung đột thành an bình bền vững.

Thứ Bảy, tháng 3 23, 2019

BÀN VỀ BẢNG XẾP HẠNG QUỐC GIA HẠNH PHÚC

Mấy ngày qua mọi người râm ran quanh đề tài Việt Nam xếp hạng thứ 94 trong bảng chỉ mục hạnh phúc 156 quốc gia trên thế giới do Liên Hiệp Quốc công bố.
Đứng thứ 94/156. Một con số khả quan, có thể đúng, có thể sai, có thể già, có thể non. Mỗi người tự cảm nhận hạnh phúc của bản thân ở đâu trên nấc thang nào của hệ giá trị nào mới là quan trọng.