Tín ngưỡng vào tính linh thánh của những di vật hoặc Thánh địa liên quan đến các bậc Thánh là một hiện tượng phổ biến trong mọi tôn giáo trên thế giới. Hằng năm, hàng triệu tín đồ Do Thái giáo, Ki-tô giáo và Hồi giáo đổ về cổthành Jerusalem để được tận tay chạm vào vùng đất thiêng gắn liền với cuộc đời các vị giáo chủ của họ. Tín đồ Ấn giáo cứ mỗi năm một lần nhỏ, mười hai năm một lần lớn tìm về Sangam, chỗ hợp lưu của ba dòng sông Ganga, Yamuna và Saraswati, ở Allahabad để được tắm mình trong tính linh thánh của các vị Thánh tượng trưng bởi các con sông, tạo nên những lễ hội đông nhất hành tinh. Với Phật giáo, việc hành hương chiêm bái các Thánh tích cũng đã được đức Phật khuyến tấn. Trong Kinh Đại Bát-niết-bàn (Mahā-parinibbāna sutta), đức Phật đã nói với tôn giả A-nan rằng “có bốn Thánh tích kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính,” đó là bốn Thánh địa nơi đức Phật đản sinh, chứng ngộ quả Vô thượng Bồ đề, chuyển Pháp luân, và nhập Niết-bàn (Minh Châu, 1991, 642).
Liên quan đến cuộc đời của đức Phật, ngoài những Thánh tích, xá-lợi của ngài còn được xem như một loại di vật đặc biệt và trở thành đối tượng tín ngưỡng sâu rộng có chiều dài lịch sử trong mọi tầng lớp tăng tín đồ. Là một tín ngưỡng ở phạm vi quần chúng, bên cạnh những yếu tố kỳ bí có khi dẫn đến mê tín, tín ngưỡng thờ cúng xá-lợi lại mang những ý nghĩa sâu xa và đóng một vai trò vô cùng đặc biệt trong đời sống tâm linh của người con Phật. Trong bài viết này, tác giả không đi tìm cách lý giải cho những điều kỳ bí mà thay vào đó, sẽ tập trung ở ba mục chính: (1) nguồn gốc và sự hình thành tín ngưỡng thờ phụng xá-lợi, (2) các loại xá-lợi, và (3) ý nghĩa biểu trưng của xá-lợi.