1. Giới thiệu
Duy Thức Phái là một trường phái Phật Giáo Đại Thừa chú trọng đến nhận thức luận. Kinh luận thuộc trường phái này thường nhấn mạnh rằng bất kì cái gì được kinh nghiệm, những cái mà thường được cho là chân thật, thực ra chỉ là một sự giả thác thuần túy ngôn ngữ (upacāra). Sự giả thác này là kết quả của quá trình phân biệt hay cấu trúc khái niệm diễn ra trên sự chuyển biến của thức. Vả lại, sự chuyển biến của thức cũng chỉ là một sự phân biệt mà sựphân biệt đó thậm chí không tồn tại.[1] Hay nói khác đi, toàn thể kinh nghiệm đó không là gì khác ngoài sự biểu hiện của thức.
Nếu toàn bộ kinh nghiệm chỉ là sự biểu hiện của thức, mà thức thậm chí cũng không thực hữu,[2] thế thì mọi nỗ lực của loài người cũng như toàn thể giáo pháp của đức Phật hướng tới điều gì? Có sự thật nào đáng quan tâm đằng sau cái thế giới biểu hiện của thức ấy?
Để trả lời những câu hỏi này, Duy Thức Phái đã đề xướng giáo lý ba tự tính như một khung sườn cho việc phát triển giáo nghĩa thức biến và trình bày quan điểm về nhận thức của mình. Giáo lý ba tự tính, vì thế, giữ một vai trò hết sức quan trọng trong truyền thống Duy Thức. Nó hiện diện trong hầu hết mọi tác phẩm thuộc truyền thống này, nhưcác kinh Giải Thâm Mật, Lăng-già; các luận Du-già Sự Địa, Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh, Biện Trung Biên, Nhiếp, NhịThập, Tam Thập, và Tam Tự Tính.
Theo giáo nghĩa này, có ba tự tính hay bản chất (tri-svabhāva) đằng sau mọi hiện tượng. Hay nói cách khác, thực tại được cấu thành bởi ba đặc tính này. Đó là:
(1) tự tính biến kế sở chấp (parikalpita-svabhāva): tính chất vọng tưởng, huyễn hóa của các pháp;
(2) tự tính y tha khởi (paratantra-svabhāva): tính chất phụ thuộc vào cái khác để sinh khởi và tồn tại, hay còn gọi là duyên sinh;
(3) tự tính viên thành thật (pariniṣpanna-svabhāva): tính chất chân thật viên mãn của các pháp, cũng gọi là Chân Như.[3]
Bài viết này sẽ trình bày giáo lý ba tự tính qua các kinh luận tiêu biểu của Duy Thức Phái và đặc biệt so sánh làm nổi bật hai mô hình của giáo lý này.