Thứ Sáu, tháng 1 13, 2023

HAI TRÍ VÀ TƯƠNG QUAN VỚI BA THÂN CỦA PHẬT

 


Trí tuệ của một đức Phật được gọi là Nhất Thiết Trí (sarva-jñatā). Trí này không những có tính nhận thức một cách vô phân biệt mà còn có tính hành động mang tính phân biệt. Bởi vì, một vị giác ngộ không chỉ thấy biết riêng thế giới chân như tịch tĩnh mà còn nhận thức thế giới phàm tình để từ đó phát khởi vô số hoạt động lợi tha. Tuy nhiên, an trú tịch tĩnh và hoạt động lợi tha là hai phạm trù đối lập nhau. Để giải quyết song đề này, các nhà Duy Thức đề ra quan điểm một bậc giác ngộ có hai loại trí tuệ là trí vô phân biệt (nirvikalpa-jñāna) và trí hậu đắc (pṛṣṭha-labdha-jñāna). Hay nói khác đi, Nhất Thiết Trí của các đức Như Lai có hai khía cạnh là căn bản vô phân biệt và hậu đắc phân biệt. Thành tựu hai trí này là thành tựu Phật quả cứu cánh. Cho nên, Bồ-tát Vô Tính nói trong Nhiếp Luận Thích rằng: “Các vị bồ-tát do trước tiên tu tập lần lượt trí vô phân biệt và trí hậu đắc mà nhanh chóng chứng được Phật quả viên mãn hết thảy công đức.”[1]