1. Giới thiệu
Kinh Đại Bát-niết-bàn có nói: “thế gian có hai hạng người dũng mãnh, thứ nhất là người không làm ác, thứ hai là người đã làm ác mà biết hối lỗi”. Sống trên cuộc đời này mấy ai không phạm phải điều sai quấy, điều quan trọng là phải nhận thức và sửa đổi những lỗi lầm mình đã phạm, có như thế thì cuộc sống mới càng ngày càng tốt đẹp hơn. Đối với người xuất gia, muốn thực hiện con đường giải thoát thì phải hộ trì Thánh giới đã thọ không để cho bị hủy phạm, nếu Thánh giới bị hủy phạm khiến cho giới thể bị ô nhiễm thì cần phải làm cho thanh tịnh trở lại. Lại nữa, các hành vi thiện ác của chúng ta vốn không mất đi mà nó chỉ chuyển sang một dạng tồn tại khác dưới hình thức những năng lực tiềm tàng gọi là nghiệp. Nghiệp ấy đức Phật dạy: “Một khi nghiệp đã được tạo thì trăm ngàn kiếp không mất đi, chỉ chờ điều kiện thuận tiện là phát hiện thành quả”. Vì nghiệp là năng lực dẫn sanh quả báo, cho nên người học Phật cần phải biết cải thiện nghiệp của mình. Xuất phát từ hai lý do hộ trì Thánh giới và tiêu trừ nghiệp này mà đức Phật thiết lập phương pháp sám hối.
2. Định Nghĩa
Sám hối có nghĩa là ăn năn thừa nhận lỗi lầm của mình và thề không tái phạm nữa. Trong Phật giáo, sám hối có một ý nghĩa tu tập đặc biệt quan trọng và tuyệt nhiên không mang bóng dáng thần quyền như nhiều người lầm tưởng. Hơn nữa, bên cạnh ý nghĩa tu tập thuộc lĩnh vực tâm linh, sám hối còn có ý nghĩa chữa trị của lĩnh vực tâm lý.
Về mặt từ nguyên, sám hối vốn có nghĩa là thuyết tội (Skt: āpatti-deśanā) hoặc thuyết ác (Skt: pāpa-deśanā[1]), tức là nói lên những lỗi lầm hay việc làm phi pháp của mình, trong Luật tạng thường gọi là phát lộ. Khi phân tích từ “sám hối”, ngài Nghĩa Tịnh nói rằng “sám” là lược âm của tiếng Phạn kṣama, đúng âm là sám-ma, nghĩa là khoan thứ hoặc xin được khoan thứ; “hối” là tiếng thuần Hán, nói đủ là hối quá, là dịch nghĩa từ āpatti-deśanā[2] của tiếng Phạn. Như vậy, hai chữ “sám” và “hối” không đồng nghĩa với nhau mà chỉ có mối liên hệ gần nhau thôi. Có người nói “hối” là dịch nghĩa của chữ sám-ma, điều đó không hợp với sự phân tích trên.
3. Phân Loại
Sám hối ngoài việc được áp dụng như biện pháp xử trị những hành vi trái phạm giới luật để duy trì tính hòa hợp và thanh tịnh của Tăng còn là một phương pháp tu tập cho cả hai giới xuất gia và tại gia. Sám hối vì thế đã trở thành một khía cạnh quan trọng không thể thiếu trong Phật giáo. Vì tính chất quan trọng đó cho nên các nhà giảng giải Kinh Luật thường phân sám hối thành nhiều loại để vấn đề dễ hiển bày. Sau đây là một vài cách phân loại thường gặp cùng với khả năng diệt tội của nó.
3.1. Chế giáo sám và hóa giáo sám
Theo sự phán giáo của các nhà Luật sư, quá trình giáo hóa của đức Thế Tôn được chia thành hai phần: chế giáo và hóa giáo. Chế giáo là tùy trường hợp phạm tội mà nói pháp, tức là chế giới, hay là Luật tạng. Hóa giáo là vì tất cả chúng sanh mà phân biệt giảng thuyết về các pháp như nhân quả, lý sự..., đó là Kinh tạng. Căn cứ vào sự phán giáo này, các Luật sư phân sám hối thành hai loại: chế giáo sám và hóa giáo sám (còn gọi là chế giáo nghi và hóa giáo nghi).
Chế giáo sám là phương pháp sám hối dùng cho trường hợp phạm giới, đó là các phương pháp xử trị đã được quy định trong giới bổn của người xuất gia, loại này chỉ giới hạn trong Tăng. Chế giáo sám bao gồm 3 loại: 1/ Chúng pháp sám: là sám hối tội lỗi của mình trước Tăng, Tăng ở đây gồm 4 vị hoặc 20 vị tùy theo trường hợp mà luật quy định rõ. 2/ Đối thủ sám: là đối trước một vị đồng tu mà phát lộ lỗi lầm của mình, như trường hợp phạm ba-la-đề-đề-xá-ni. 3/ Tâm niệm sám: tức phạm những lỗi nhỏ nhặt chỉ cần tự hối trong tâm là được, như trường hợp phạm tội đột-kiết-la.
Hóa giáo sám là sám hối về các hành vi ác chung chung, tức là sám hối về bất thiện nghiệp đạo, áp dụng cho cả xuất gia và tại gia. Hóa giáo sám thì có nhiều loại, đó là các phương pháp sám hối đã được Kinh hoặc Luận đề cập đến với mục đích giúp hành giả dần dần tiêu trừ các pháp chướng đạo; bao gồm tụng kinh, bái sám, quán tưởng... Như kinh Phật Danh dạy phương pháp sám hối 3 chướng là phiền não chướng, nghiệp chướng và quả báo chướng; kinh Hoa Nghiêm nói đến sám hối 4 chướng là hoặc chướng, nghiệp chướng, báo chướng và kiến chướng; Luận Phật Tính cũng nói đến sám hối 4 loại chướng ngại Phật đạo là chán ghét đại thừa, chấp trước thân kiến, sợ sanh tử và không ưa thích việc lợi tha; kinh Đại Thừa Tam Tụ nói đến sám hối 5 chướng là nghiệp chướng, phiền não chướng, chúng sanh chướng, pháp chướng, chuyển hậu thế chướng.
Trong hai cách sám hối này thì chế giáo sám là sám hối theo Luật tạng, hóa giáo sám là sám hối theo Kinh Luận. Sám hối theo Luật tạng là sám hối tội phá giới, sám hối theo Kinh Luận là sám hối hành vi vi phạm nghiệp đạo. Vì thế người xuất gia khi phạm giới thì cần phải thực hiện cả hai cách sám này, đặc biệt là bắt buộc phải thực hành chế giáo sám hối, có sám hối theo Luật thì giới thể mới trở lại thanh tịnh, mới hòa hợp với Tăng. Riêng người tại gia thì chỉ áp dụng hóa giáo sám. Bởi vì, người tại gia dù có thọ giới như ngũ giới hoặc thập thiện nhưng đó là những giới có tính cách học tập, khuyến thiện chứ không bắt buộc và không có tính quy định của tập thể. Khi một người tại gia phạm phải điều ác, dù điều đó đã được kể đến trong giới cấm mà họ đã thọ, thì việc ấy không thể bị xem là phạm giới cần phải đưa ra trước Tăng hay một hội đồng giám luật nào để xử trị, họ chỉ vi phạm nghiệp đạo, chỉ cần sám hối để tiêu nghiệp.
3.2. Ba loại sám hối
Theo Kim Quang Minh Kinh Văn Cú, Tứ Phần Luật Hành Sự Sao Tư Trì Ký, Thiên Thai Tứ Giáo Nghi Tập Chú, có 3 loại sám hối là: tác pháp sám hối, thủ tướng sám hối và vô sanh sám hối. 1/ Tác pháp sám hối: là phương pháp sám hối vận dụng cả thân, miệng, ý. Thực hành sám pháp này thì thân phải lễ bái, miệng phải tụng đọc, ý phải tư duy. 2/ Thủ tướng sám hối: là quán tưởng tướng hảo của chư Phật, Bồ - tát mà diệt được tội. 3/ Vô sanh sám hối: là quán hết thảy các pháp vốn không, tội từ tâm khởi, tâm ấy đã không nên tánh tội không có, tánh tội không nên tội cũng không.
Theo Kim Quang Minh Kinh Văn Cú và Thiên Thai Bồ Tát Giới Sớ thì tác pháp sám hối thuộc về phạm trù giới, chỉ diệt già tội mà không diệt được tánh tội[3]. Thủ tướng sám hối thuộc về phạm trù định, diệt được cả già tội và tánh tội. Vô sanh sám hối thuộc về phạm trù tuệ, có khả năng diệt trừ vô minh.
3.3. Sự sám và lý sám
Sám hối còn được nhìn từ hai mặt sự-lý mà phân thành sự sám và lý sám. Sự sám là nói tất cả nghi thức sám hối của chế giáo cũng như hóa giáo, tức là sám hối có biểu hiện hình thức bên ngoài. Lý sám cao hơn một bậc, là dùng trí quán chiếu thật tướng của các pháp mà diệt trừ tội. Sự sám tương đương với tác pháp sám và thủ tướng sám, lý sám tương đương với vô sanh sám. Theo Tứ Phần Luật San Bổ Tùy Cơ Yết Ma thì sự sám chỉ nhiếp phục nghiệp cho dễ trừ, chỉ có lý sám mới đủ sức diệt nghiệp[4].
4. Tính thực tiễn của sám hối
Nói đến tính thực tiễn của cái gì là nói đến những lợi ích thiết thực mà nó đem lại. Bất kỳ một pháp gì tồn tại đều có tác dụng của nó, cũng như một người đi thì phải có đi đâu, làm thì phải có làm gì. Sám hối cũng vậy, cũng mang đến những lợi ích thiết thực cho người thực hành. Vậy sám hối có những ích lợi gì? Trước hết, sám hối có tác dụng tích cực như là một phương pháp tu tập xét trên bình diện tâm linh. Thứ đến, sám hối có tác dụng chữa trị thuộc lãnh vực tâm lý.
4.1. Về mặt tâm linh, sám hối đóng vai trò như một pháp môn tu tập giúp hành giả đạt được những bước tiến trên con đường giác ngộ giải thoát.
Ích lợi đầu tiên ở trong lĩnh vực tu tập mà mọi người đều thấy là khôi phục giới thể thanh tịnh cho người phạm giới. Nếu một người phạm các điều khoản của giới mà không phát lộ sám hối trước Tăng, tức là sám hối theo chế giáo nghi, thì giới thể bị ô nhiễm. Kinh nói giới có thanh tịnh thì mới phát sinh thiền định, có thiền định mới có trí tuệ. Giới thể này là năng lực phòng phi chỉ ác được phát sinh trong quá trình cầu thọ giới, nó có chức năng ngăn không cho các pháp hữu lậu xâm nhập vào tâm. Chỉ có sám hối mới có khả năng khiến cho giới thể đã bị nhiễm ô trở lại thanh tịnh.
Lợi ích thứ hai trong lãnh vực tâm linh là tiêu trừ nghiệp. Xét hành vi phạm giới có hai yếu tố, đó là phạm giới đối với Tăng - tức là đi ngược lại với những giao ước sống chung của Tăng, và phạm nghiệp đạo. Yếu tố phạm giới thì trên đã nói, nó chỉ giới hạn ở hàng ngũ xuất gia. Yếu tố phạm nghiệp đạo thì bao quát cả Tăng lẫn Tục. Sám hối theo chế giáo nghi thì giới thể được thanh tịnh trở lại, thế nhưng nghiệp đạo đã phạm vẫn không mất, bởi vì chế giáo căn cứ trên tướng. Chỉ có sám hối theo hóa giáo nghi thì nghiệp đã tạo mới được tiêu trừ do hóa giáo thuộc phạm trù tánh. Vì vậy, thực hành các phương pháp sám hối theo Kinh Luận (hóa giáo nghi) như tụng kinh, bái sám, quán tưởng sẽ giúp hành giả dần dần tịnh hóa nghiệp của mình.
Ngoài ra, các phương pháp sám hối mà đức Phật nói trong Kinh còn là thời khóa tu tập để tăng cường giới định tuệ. Trong khi tu pháp sám hối, thân thì lễ bái, miệng thì đọc tụng, đó là tương đương với giới (tác pháp sám hối); tâm ý chuyên chú vào đối tượng như Phật, Bồ - tát, đó là tương đương với định (thủ tướng sám hối); nếu hành giả dùng tâm ý quán chiếu thực tánh của các pháp để diệt trừ vô minh thì sám hối ấy tương đương với tuệ (vô sanh sám hối). Sám hối vì thế trở thành trợ duyên cho 3 môn học giới định tuệ tăng trưởng.
4.2. Về mặt tâm lý, sám hối theo Luật tạng (chế giáo sám) có công năng như một biện pháp chữa trị, nuôi dưỡng một tâm hồn thanh cao.
Với đạo Phật, người sám hối là người đang cần sự giúp đỡ của Tăng chứ không phải thú nhận tội lỗi để chịu tội hay được tha thứ (xá tội). Thông thường trong các tôn giáo khác, khi nói đến sám hối thì mọi người đều nghĩ ngay đến ý niệm “tội” như là hành vi không vâng lời đối với đấng tối cao như Chúa, Thượng Đế...; thế nhưng “tội” trong đạo Phật không phải như vậy[5]. Phật giáo không quan niệm có một đấng toàn năng với quyền uy tuyệt đối và một chiều như là đấng “Sáng tạo” để ban phước dáng tội cho con người cho nên không có khái niệm “tội” như là hành vi trái phạm đối với vị ấy. Chữ “tội” mà chúng ta đề cập đến ở trong phần sám hối này, theo quan niệm của Phật giáo, chỉ có nghĩa là những hành vi xấu ác, tính xấu ác này là dựa trên tính chất căn bản của nghiệp được tạo. Chữ “tội” tiếng Phạn là āpatti, có nghĩa là “cái bị rơi”, do động từ “pat” (rơi, đi xuống) mà thành. Như thế, người phạm tội là người không theo kịp mọi người, bị rơi từ chỗ cao xuống chỗ thấp do phạm phải các điều xấu ác. Cũng như trong một lớp học, phần lớn học sinh theo kịp bài nên cuối năm được lên lớp, thế nhưng bên cạnh đó vẫn có một số ít không theo kịp nên phải lưu ban hoặc bỏ học. Đối với những người “bị rơi” như thế - tức là những người yếu đuối, sự giúp đỡ từ những người “không bị rơi” là điều rất cần thiết, cho nên họ phát lộ lỗi lầm của mình trước Tăng (những người không bị rơi) để cầu xin năng lực nâng đỡ. Thông qua năng lực nâng đỡ từ những lời giáo giới của Tăng và sự thánh thiện phát ra[6] từ bản thân Tăng, thiện pháp (ý chí làm lành lánh dữ) ở trong con người lầm lỗi ấy sẽ tăng thêm. Đây chính là một ý nghĩa rất quan trọng mang tính chữa trị tâm lý của việc sám hối.
Lại nữa, xét về tâm lý, người phạm tội luôn mang cảm giác bứt rứt, hối hận - gọi là cảm giác tội lỗi - khiến cho tâm họ không được an ổn (đây chính là lý do mà Luật nói những người phạm giới nặng mà không phát lộ sám hối thì không nhập định được). Hơn nữa, những cảm giác xấu ấy nếu trải qua lâu ngày mà không được giải tỏa sẽ chuyển thành trạng thái mặc cảm dưới dạng vô thức và tiếp tục ảnh hưởng đến tâm thái của người phạm tội. Theo Phân tâm học thì chính mặc cảm vô thức này góp phần đưa đến những cảm xúc và hành xử có tính bất bình thường (dysfunctional feelings and behaviors) cần được chữa trị. Trong chừng mực nào đó, sám hối là giải tỏa cái tâm lý đang bị dồn nén ấy (phát lộ hay thuyết tội). Cũng như một người khi có điều muốn nói mà chưa nói ra được do vì e ngại hoặc không có đối tượng để tỏ bày thì trong lòng cứ thấy bồn chồn, tâm trạng cứ như là “ngồi trên lửa”.
Cuối cùng, sám hối là dùng hai tâm sở thiện tàm và quý để đối trị hai tâm sở bất thiện vô tàm và vô quý, tức là lợi dụng tâm lý xấu hổ để khống chế những hành vi xấu ác, đưa hành giả tới chỗ toàn thiện.
5. Kết luận
Đến đây, hẳn chúng ta thắc mắc một điều: liệu sám hối rồi tội có hết không? Để trả lời nghi vấn này chúng ta phải dựa vào tam tạng giáo điển. Nếu xét về yếu tố phạm giới, các bộ Luật đều khẳng định sám hối như pháp thì giới thể trở lại thanh tịnh như cũ. Riêng yếu tố phạm nghiệp đạo thì rõ ràng là không đơn giản. Các Kinh thường nói sám hối thì nghiệp được tiêu trừ, thế nhưng không phải sám hối là nghiệp mất hết không còn phải chịu quả báo. Ngài Long Thọ khẳng định trong Thập Trụ Tỳ-bà-sa Luận rằng: “Ta không nói sám hối thì nghiệp tội diệt hết không còn quả báo; ta chỉ nói sám hối thì tội giảm nhẹ, thời gian lãnh thọ ngắn hơn”[7].
Nói tóm lại, sám hối là một phương pháp gội rửa tâm có vai trò rất quan trọng trong đạo Phật. Nhìn từ khía cạnh chế giáo, sám hối mang tính cưỡng bức và thuộc tác trì môn, mục đích của nó là đem lại sự thanh tịnh và hòa hợp trong Tăng theo tinh thần quy ước của Giới Luật. Người phạm giới sau khi sám hối đúng pháp theo Luật thì giới thể trở lại thanh tịnh như cũ, tất nhiên chỉ với những tội Luật cho sám hối[8]. Lại nữa, bên cạnh yếu tố phạm giới còn có yếu tố phạm nghiệp đạo, phạm nghiệp đạo thì không thể sám hối theo Luật mà hết được, phải sám hối theo Kinh hoặc Luận. Nhìn từ phương diện Kinh Luận, tức là khía cạnh hóa giáo, sám hối mang tính tự nguyện và dựa trên tính chất căn bản của nghiệp đạo, mục đích của nó là tiêu trừ nghiệp, giúp hành giả thăng tiến trên con đường giải thoát.
QUẢNG HƯƠNG GIÀ LAM, An cư 2004
[1] John Bowker, The oxford dictionary of world religions, Oxford University Press, 1997, trang 230.
[2] Chữ Hán: 阿鉢底提舍那 (A-bát-để-đề-xá-na): Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ-nại-da, q15 (Đại 23, trang 0706a).
[3] Tánh tội: là các hành vi xấu ác thuộc về bản chất, như các hành vi giết người, dâm dục, trộm cướp, nói dối thì dù ở hoàn cảnh nào cũng bị xem là ác. Trái lại, có một số hành vi vốn không nhất định là xấu hay tốt, xấu hay tốt là tùy theo quan niệm, tập tục hay quy ước của mỗi cộng đồng mà thành, như uống rượu chẳng hạn; những hành vi như thế một khi bị xem là xấu ác thì được gọi là già tội.
[4] Tứ Phần Luật San Bổ Tùy Cơ Yết - ma, Sám Lục Tụ Pháp thiên (Đại 40, trang 0506c).
[5] Với Do Thái giáo, tội là sự bỏ qua hoặc không vâng theo ý muốn của Thượng Đế (Yahweh) (sin is a passing over or rejection of the will of God). Với Cơ-đốc giáo (Christianity), tội nói chung là những gì đã tách con người ra khỏi Thượng đế, trong đó tội tổ tông (original sin) là trường hợp điển hình; ngoài ra, không tin Chúa Jesus cũng được xem là một tội nặng. Với Hồi giáo, tội chủ yếu là sự làm trái ý Thượng đế (Allah). Nói chung, trong các tôn giáo Nhất thần (Monotheism) thì tội là vấn đề liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến vị Thần linh được tin tưởng.
[6] Sức mạnh thánh thiện phát ra từ những vị có giới đức này tạo thành một lực trường (field of force) có khả năng ảnh hưởng đến những người khác, cũng giống như khái niệm từ trường (magnetic field) trong Vật lý học.
[7] Thập trụ tỳ-bà-sa luận, phẩm Phân Biệt Công Đức, q6 (Đại 26, số 1521, trang 48c).
[8] Luật quy định, ngoại trừ 4 pháp ba-la-di, tất cả các hành vi phạm giới khác đều được phép sám hối.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét