Thứ Hai, tháng 11 20, 2006

Thiền làm lắng tâm, giúp cơ thể khỏe mạnh

Jim McLaughlin là một con người thực tế trong suốt cuộc đời của mình. Ông là nhà cố vấn thương mại phục vụ 10 năm trong Hải quân Mỹ, chưa bao giờ sử dụng thuốc kích thích, lập gia đình năm 32 tuổi và có 2 con, cả 2 đều được đào tạo chuyên môn.
Thiền Phật giáo vẫn còn xa lạ đối với ông khi ông bắt đầu tìm cách chế ngự sự rối loạn trong tâm mình. Và rồi, vào những năm cuối của độ tuổi ngũ tuần, ông được chẩn đoán là mắc phải chứng thiếu tập trung (ADD - Attention Deficit Disorder).
“Tôi đã mắc chứng này từ rất lâu, có điều là tôi chưa bao giờ nhận ra nó,” ông nói. “Đó là lý do tại sao tôi cứ lượn lờ như một con bướm từ nơi này đến nới khác. Tôi cần một thứ gì đó để làm lắng dịu tất cả những náo động trong đầu tôi. Tôi đang gặp phải những rắc rối trong vấn đề duy trì công việc cho ổn thỏa. Đã có những cảm giác vô vị …”
Ba năm trước, ông được nghe một nhà khoa học, Daniel Goleman, bàn về một bài thực hành được gọi là thiền chánh niệm trong một buổi nói chuyện trên radio. Ông ta đã nói không phải bằng cách thức của tôn giáo mà bằng cách thức của một nhà khoa học nói về một phát minh mới. McLaughlin đã đọc cuốn Những cảm xúc tiêu cực (Destructive Emotions) của Goleman và quyết định thử thực hành thiền.
Ngày nay, sau ba năm tham gia Hội Thiền tuệ giác Thánh Louis (St. Louis Insight Meditation Group), McLaughlin cho biết thiền đã thay đổi cuộc đời của ông. Ông hành thiền 30 phút mỗi ngày, khoảng 4 hoặc 5 ngày trong một tuần.
 “Đó không phải là một tôn giáo,” ông nói. “Tôi là người theo Tân giáo và không lý do gì tôi phải thay đổi đức tin của mình đối với Chúa. Tôi chỉ muốn chế ngự sự ồn ào trong đầu tôi.”

Chủ Nhật, tháng 11 19, 2006

BÁNH XE LUÂN HỒI

Bánh xe luân hồi là tên gọi chỉ cho một biểu tượng được vẽ như hình bánh xe có 12 chiếc nan hoa dùng để biểu trưng cho giáo lý mười hai nhân duyên trong nhà Phật. Biểu tượng bánh xe luân hồi trải qua thời gian đã trở thành ý niệm quen thuộc trong dân gian, đôi khi nó xuất hiện dưới cái tên ‘bánh xe sinh hóa’ hay ‘bánh xe sinh tử’. Vậy bánh xe luân hồi có ý nghĩa như thế nào trong nhà Phật?
Trước hết, bánh xe luân hồi diễn tả sự luân hồi của chúng sinh trong các nẻo đường sinh tử; đồng thời qua đó biểu thị những tư tưởng tinh túy của Phật giáo như giáo lý Tứ diệu đế và Thập nhị nhân duyên. Tứ diệu đế là bốn sự thật vi diệu, thâm sâu. Bốn sự thật này gồm có: 1- cuộc đời này tràn đầy khổ đau; 2- khổ đau ấy có nguyên nhân của chúng, đó là tham ái, sân giận, si mê…, 3- trạng thái tức diệt những nguyên nhân của khổ đau ấy; 4- con đường dẫn đến sự tức diệt ấy. Xuyên suốt bốn sự thật được diễn tả qua giáo lý Tứ diệu đế là giáo lý Thập nhị nhân duyên. Đó là giáo lý về chuỗi nhân duyên gồm mười hai chi phần giải thích quá trình vận hành của toàn thể thế gian bao gồm cả hữu tình và vô tình.