Thứ Hai, tháng 11 20, 2006

Thiền làm lắng tâm, giúp cơ thể khỏe mạnh

Jim McLaughlin là một con người thực tế trong suốt cuộc đời của mình. Ông là nhà cố vấn thương mại phục vụ 10 năm trong Hải quân Mỹ, chưa bao giờ sử dụng thuốc kích thích, lập gia đình năm 32 tuổi và có 2 con, cả 2 đều được đào tạo chuyên môn.
Thiền Phật giáo vẫn còn xa lạ đối với ông khi ông bắt đầu tìm cách chế ngự sự rối loạn trong tâm mình. Và rồi, vào những năm cuối của độ tuổi ngũ tuần, ông được chẩn đoán là mắc phải chứng thiếu tập trung (ADD - Attention Deficit Disorder).
“Tôi đã mắc chứng này từ rất lâu, có điều là tôi chưa bao giờ nhận ra nó,” ông nói. “Đó là lý do tại sao tôi cứ lượn lờ như một con bướm từ nơi này đến nới khác. Tôi cần một thứ gì đó để làm lắng dịu tất cả những náo động trong đầu tôi. Tôi đang gặp phải những rắc rối trong vấn đề duy trì công việc cho ổn thỏa. Đã có những cảm giác vô vị …”
Ba năm trước, ông được nghe một nhà khoa học, Daniel Goleman, bàn về một bài thực hành được gọi là thiền chánh niệm trong một buổi nói chuyện trên radio. Ông ta đã nói không phải bằng cách thức của tôn giáo mà bằng cách thức của một nhà khoa học nói về một phát minh mới. McLaughlin đã đọc cuốn Những cảm xúc tiêu cực (Destructive Emotions) của Goleman và quyết định thử thực hành thiền.
Ngày nay, sau ba năm tham gia Hội Thiền tuệ giác Thánh Louis (St. Louis Insight Meditation Group), McLaughlin cho biết thiền đã thay đổi cuộc đời của ông. Ông hành thiền 30 phút mỗi ngày, khoảng 4 hoặc 5 ngày trong một tuần.
 “Đó không phải là một tôn giáo,” ông nói. “Tôi là người theo Tân giáo và không lý do gì tôi phải thay đổi đức tin của mình đối với Chúa. Tôi chỉ muốn chế ngự sự ồn ào trong đầu tôi.”

Thiền hiện đại
Thiền, phương pháp luyện tập kiểm soát sự chú tâm của bạn để cảm thấy tốt hơn, đã là một nghệ thuật huyền bí từ thời tiền sử. Mọi nền văn hóa trên thế giới đều đã thực hành một loại thiền định nào đó và hiện vẫn đang thực hành.
Nhưng trong 40 năm qua, thiền đã từ từ chuyển vào xu hướng bảo vệ sức khỏe ở phương Tây, và vào những mục đích tốt đẹp khác.
Những cuộc nghiên cứu cho thấy rằng nó làm dịu những cơn stress lâu năm, một căn bệnh mà các nhà khoa học cho rằng làm cơ sở cho hầu hết những thứ bệnh tật khác. Những công trình nghiên cứu do chính quyền tài trợ đang nghiên cứu thiền như một biện pháp điều trị tim mạch, làm thuyên giảm những triệu chứng bệnh tật và nâng cao thể trạng của não bộ.
Trung tâm Y khoa quốc gia về liệu pháp bổ sung và thay thế (NCCAM), một chi nhánh của Viện Y tế Quốc gia (mỹ), cho biết rằng, trong năm 2002, có hơn 15,3 triệu người thực hành một vài loại thiền định như một biện pháp chữa trị một số căn bệnh. Một số khác thực hành chỉ để thư giãn.
Và con số ấy đang tăng lên.
“Lý do thật đơn giản,” tác giả cuốn Meditation for Dummies, một cuốn sách bán rất chạy ở lần in thứ hai - Stephen Bodian - nói.
 “Mục đích là hạnh phúc,” Bodian nói. “Hạnh phúc có những tác dụng chữa bệnh nào? Đó không phải là những gì chúng ta dùng trị liệu tâm lý để có được sao? Hạnh phúc là liều thuốc tuyệt hảo.”
Bodian đề cập đến những nghiên cứu cho thấy rằng thiền có thể cải thiện bộ não trở thành tốt hơn. Nó bao gồm sự làm tăng mức cảm xúc lên -- trạng thái tự nhiên mà con người vật lộn suốt cả cuộc đời để có được. “Một số người có bản tánh buồn bã, một số khác thì quá phấn khích. Thiền có thể cải thiện tình trạng đó một cách lâu dài,” Bodian nói.
Cảm giác thoải mái do thiền mang lại, ông ta nói thêm, được công nhận là có khả năng hạ thấp huyết áp, nâng cao hệ thống miễn dịch và làm dịu bớt những trạng thái căng thẳng.
Thiền với Khoa học
Công trình nghiên cứu thu hút nhiều sự chú ý nhất là của Phòng thì nghiệm công năng não bộ tạo hình và hành vi Keck (Keck Laboratory for Functional Brain Imaging and Behavior) ở Wisconsin. Một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thần kinh học Richard Davidson đã thực hiện một cuộc phân tích não bộ của một thiền sư và thấy rằng độ năng động của não bộ của ông ta vượt xa so với của một vận động viên điền kinh chuyên nghiệp trong khoảng thời gian thi đấu căng thẳng.
Trong khi những nhà khoa học vẫn không biết được chính xác thiền hoạt động như thế nào thì công trình nghiên cứu này chỉ cho thấy rằng nó thật sự hoạt động và có thể làm thay đổi não bộ để trở nên tốt hơn.
Điều đó bởi vì, thiền dường như sinh ra một phản ứng hóa sinh chống lại stress, phản ứng này làm mất tác dụng loại phản ứng hóa sinh gây ra stress.
Trong thời gian hành thiền, cơ thể sản sinh ra nitric oxide, một hóa chất được các công ty dược sử dụng để làm hạ huyết áp. (Đừng nhầm lẫn với nitrous oxide, loại hóa chất được các nha sĩ dùng làm chất gây tê hoặc những người dự tiệc dùng để làm tăng thêm sự sảng khoái.) Nitric oxide làm hạ thấp huyết áp bằng cách làm giãn nở các mạch máu để giảm bớt áp lực cho tim.
Jeffrey Dusek, nhà tinh thần sinh vật học (psychobiologist) dạy tại Trường Y học Harvard, và là nhà chỉ đạo công trình nghiên cứu liên kết tại Viện Thân–Tâm ở Chestnut Hill, Mass, nói: “Công trình nghiên cứu ấy đã cho thấy rằng khi bạn hành thiền, hoặc tập yoga, hay tập thái cực quyền hoặc những phương pháp tương tự; chúng thực sự làm hạ huyết áp.”
 “Thiền, sự huấn luyện phản xạ thư giản, có thể đang làm nhiệm vụ giống như những loại đặc dược làm thay đổi khả năng sản sinh chất nitric oxide của cơ thể. Vì thế chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đang khám phá cơ chế sinh học về cách thức mà thiền diễn ra.”
Những công trình nghiên cứu được NCCAM bảo trợ ghi nhận 2 loại thiền chính – thiền chánh niệm, ở đó người thực hành chú tâm bằng cách ý thức về giây phút hiện tại; và thiền siêu tại (Transcendental Meditation - TM), loại thiền chú tâm vào sự đọc thầm một câu thần chú.
“Sử dụng loại thiền nào là tùy,” Dusek nói. Các nhà nghiên cứu nhận thấy không có sự khác biệt lớn lắm giữa kết quả của hai loại thiền này. “Nhưng đó phải là cái mà mọi người thực hành suốt cả cuộc đời,” ông nói.
Phản ứng stress đã tiến hóa để giúp người nguyên thủy sống sót trong những điều kiện nguy hiểm đến tính mạng. Ngày nay, con người hiện đại phản ứng đối với những cơn stress công sở cũng cùng cách thức mà người xưa phản ứng đối với những con thú săn mồi răng sắc vuốt dài.
 “Trong thời đại chúng ta, tâm đang tiếp nhận những mối đe dọa mà nơi bản thân chúng chẳng có gì,” Bridget Rolens – người dạy thiền chánh niệm ở Hội Thiền tuệ giác Thánh Louis – nói. “Vì thế, tâm tiếp nhận cách thức người giám thị của chúng ta hành động như một mối đe dọa đến sự an toàn của chúng ta. Cơ thể chúng ta trở nên căng thẳng. Nhưng đấu tranh hay lẩn tránh không trút bỏ được bóng hình ông chủ của chúng ta, vì thế mối đe dọa ấy không bao giờ tắt. Chúng ta tự kết thúc bằng một chứng stress kinh niên, và chứng stress đó trở thành nguyên nhân cho vô số bệnh tật.”
Xu hướng chính
Ryan Niemiec, một nhà tâm lý học lâm sàng và là người cố vấn sức khỏe hành vi (behavioral health – BH) cho Viện Y học Hành vi St. Louis (St. Louis Behavioral Medicine Institute) sử dụng thiền chánh niệm trong các bài thực hành của ông ta. Ông cũng hợp tác với những bác sĩ nội khoa để giúp kết hợp thiền vào công tác trị liệu của họ.
 “Vì chánh niệm mang lại cho người thực hành sự tỉnh giác đối với những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại – cảm nhận, suy tư, tình cảm, tình trạng sức khỏe – nó mang sự tiếp cận đến cho những ai đang hành sự độc lập, nhận biết rõ hơn những khó khăn đang diễn ra trong cơ thể cũng như trong tâm,” ông nói. “Chánh niệm trước hết dạy cho họ biết họ đang thiếu sự chú tâm đến mức nào.”
“Trước hết, hãy thức tỉnh đối với cái trước mắt, hãy thức tỉnh đối với những cái mà các hành giả gọi là tên dẫn đường tự động, để hoàn thành những phận sự của cuộc đời, nơi mà chúng ta hành động như những chiếc máy và không ý thức được những gì đang diễn ra,” ông nói.
 “Sau đó, chỉ cho mọi người thấy rằng họ có thể làm tốt trong bất kỳ hoàn cảnh nào – lái xe, ăn cơm, chuyện trò, chuẩn bị đi ngủ -- nếu họ có thể đặt trọn vẹn sự chú ý vào giây phút hiện tiền với những trải nghiệm của cảm giác, với những suy nghĩ, với những tình cảm, sao cho họ có thể ở bất cứ nơi đâu mà họ phải ở.
“Đó là tất cả những gì cần phải làm.”
Harry Jackson Jr.
Thích Thanh Hòa dịch

-----------------------------------------------
Một bài thiền chánh niệm đơn giản
1. Tìm một nơi yên tĩnh và thoải mái để ngồi.
2. Giữ tư thế ngay thẳng, đừng ngồi gập xuống.
3. Nhắm mắt lại và hít vào thật sâu, hãy để không khí vào đầy buồng phổi. Người ta gọi đây là sự thở bằng bụng.
4. Chú tâm vào hơi thở của bạn. Khi tâm của bạn rong ruổi lan man, hãy kéo nó lại bằng cách chú tâm vào hơi thở. Hãy nhẹ nhàng với chính mình. Tâm của bạn sẽ lan man dõi về quá khứ hoặc cố đoán định tương lai. Điều đó là tự nhiên. Bạn chỉ cứ việc mang sự chú tâm của bạn trở lại với hơi thở.
5. Khi bạn thở, hãy để tâm xem xét lại vai mình để nhận diện sự căng thẳng. Hãy buông lỏng và tiếp tục với hơi thở.
6. Làm tương tự như thế đối với hai tay, ngực, bụng, hai chân.
7. Trả tâm trở về với hơi thở, rồi lại theo suốt hơi thở và cùng khắp các bộ phận cơ thể.
8. Sau thời gian 5 đến 30 phút, mở mắt ra, thở vài hơi thật sâu và trở lại công việc của bạn.

Không có nhận xét nào: