Thứ Sáu, tháng 9 16, 2011

Độc Cư Tâm Thức

Thế giới chúng ta đang sống là trường trôi chảy của các pháp hữu lậu được dẫn sanh bởi nghiệp cảm chung của những tâm thức tham ái, si mê. Trong kinh, Đức Thế Tôn gọi toàn thể của sự trôi chảy đó, gồm hữu tình và vô tình, là thế gian (loka, từ này vốn có từ trước thời đức Phật, nhưng đến khi được đức Phật sử dụng thì nó mang nhiều ý nghĩa hơn, và phạm vi biểu tượng cũng sâu rộng hơn) để nói lên tính chất hệ phược, lậu thất và nhiệt não của nó. Trong môi trường đó, hay nói đúng hơn, do tập quán tích tập từ vô thỉ, tâm thức của chúng ta không ngừng hướng vọng đến các pháp bên ngoài thuộc ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Chính sự hướng vọng tìm cầu đó mà các pháp hữu lậu càng ngày càng hưng thịnh, điều kiện sanh tử ngày một dệt thêu. Đức Thế Tôn từ sau khi giác ngộ dưới cội Bồ đề, suốt cuộc đời giáo hóa của mình chỉ nêu bày con đường đưa chúng sanh xa lìa các pháp sanh tử, đạt đến Niết bàn an lạc. Để đối trị tâm lý vọng động mang nặng tham ái của chúng sanh, đức Thế Tôn thường giảng về hạnh độc cư tâm thức giúp hành giả đình chỉ tâm lý tham ái, chấp trước mà quay về quán chiếu thực tại để chuyển hóa nội tâm.
Từ vô thỉ đến nay, chúng ta mãi trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi, tâm thức vọng chấp các pháp hữu lậu mà chưa từng ngơi nghỉ, khiến cho dòng sinh mạng cứ tiếp nối tương tục. Vọng chấp là bởi tâm không được chế ngự điều phục, phó mặc buông xuôi theo dòng chảy của thế gian thường tình. Vì vậy cho nên, độc cư tâm thức thật sự là vấn đề quan yếu cho tiến trình tận diệt dòng sinh hóa, đạt đến cứu cánh Niết bàn.
Độc cư tâm thức là chuyển cái tâm hướng vọng tìm cầu bên ngoài về với nội tại; diệt trừ sự truy tìm quá khứ, vị lai bằng công phu thực hành quán chiếu hiện tại để chuyển hóa thân tâm. Ở một khía cạnh nào đó, Độc cư tâm thức gần với hạnh A-lan-nhã. Với A-lan-nhã, độc cư chỉ mới được thực hiện trên mặt sự tướng, mặt biểu hiện của căn thân; trong khi Độc cư tâm thức lại giải quyết vấn đề tận căn nguyên, tức là mặt lý thể. Thân ngũ uẩn sống độc cư nhưng có thể tâm chưa độc cư, trái lại, một khi tâm đã độc cư thì việc độc cư thân ngũ uẩn không còn là vấn đề nữa. Tâm chúng ta hằng ngày vốn nương theo trần cảnh mà phân biệt tạo tác, con sóng tâm thức dấy động muôn phương, đó gọi là truy tìm. Trong kinh Người biết sống một mình (Kinh Trung Bộ, Tập III, Số 131), đức Thế Tôn đã giải thích rằng truy tìm là truy tìm ngũ uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức của mình trong quá khứ và vị lai rồi từ đó khởi tâm hân hoan, tham trước, là cội nguồn của phiền não. Đối với sự truy tìm đó, đức Thế Tôn dạy:
“Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng”
Vì sao vậy? Bởi vì: “quá khứ đã đoạn tận, tương lai lại chưa đến”. Chúng ta tìm cầu tấm thân ngũ uẩn trong quá khứ, nhưng năm pháp sắc, thọ, tưởng, hành, thức là các pháp lưu chuyển, không đình trú, sát na triển chuyển. Đó là chư hành vô thường, là hằng chuyển như bạo lưu. Đối với các pháp vị lai cũng vậy, không thể nắm bắt. Thế gian này, gồm cả căn thân và thế giới, được đức Phật nhận định với ba sắc thái, còn được gọi là ba pháp ấn: vô thường, khổ và vô ngã, không có gì đáng thủ đắc và có thể thủ đắc. Thân trong quá khứ không phải là thân của hiện tại, thân hiện tại sẽ không phải là thân ở vị lai. Đó chỉ là sự tụ họp của các duyên, là giả danh, là vô ngã và sẽ biến hoại, tuyệt nhiên không có một pháp nào có thể nắm giữ, duy trì.
Nhận thức được tấm thân này hay các pháp nói chung vốn vô thường, khổ, vô ngã; hành giả đi sâu vào quán chiếu nội tại:
“Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây
Không động, không rung chuyển”
Chỉ có pháp hiện tại bởi hiện tại là cái đang diễn ra, là cơ sở của mọi tiến trình chuyển hóa. Đó là thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu trong chuỗi sinh hóa mười hai nhân duyên. Ngay trên tấm thân của kiếp sống hiện tại này, hành giả phải dùng trí tuệ chiếu soi năm uẩn, biết được ngũ uẩn vốn không. Một khi biết vậy rồi thì tâm không còn tham trước, dần dần đi đến đoạn trừ ái, thủ, hữu là những yếu tố hay xung năng của vòng sinh hóa kế tiếp. Quán như vậy thành thục, không động, không rung chuyển, thì toàn bộ khổ uẩn sẽ không còn xuất hiện trong vị lai, tiến trình sinh tử bị dập tắt.
Trong đời sống hàng ngày, nhất là trong xã hội phát triển phồn tạp, sự tiếp xúc với ngoại cảnh qua các cửa mắt, tai, mũi, lưỡi, thân khiến cho tâm ta luôn bị xao động. Chúng ta nhìn cái này, nghe việc kia rồi mặc cho tâm trôi chảy theo sự thế, khởi lên vô vàn suy nghĩ mong ước. Đối với cảnh thuận thì khởi tâm ham muốn chiếm hữu, đối với cảnh nghịch thì dấy tâm ghét bỏ xa lánh. Chính đó là gốc rễ của mọi phiền não đang bức bách nhân loại. Nỗi khổ đau của nhân loại có thể giảm trừ nếu mỗi người biết sống độc cư tâm thức, nghĩa là không buông xuôi tâm theo những tình cảm hỷ, nộ, ái, ố bất thường. Vẫn biết rằng sự buông thả theo dòng chảy của thế gian thường tình là đặc tính sở thuộc của con người, mỗi cá thể vốn cưu mang từ trong tự thể cái thuộc tính đó để rồi lặn hụp mê mải trong tứ sanh cửu hữu, nhưng người học Phật phải biết tinh tấn dũng mãnh vượt lên trên cái thường tình đó. Đời sống xuất gia là đời sống của nghịch lưu, là chảy ngược lại với dòng chảy thế gian. Nói điều đó không phải là ta muốn lập dị hay kiêu kỳ mà bởi ta nương theo Pháp của Phật thấy được sự nguy hiểm của các dục, tam giới như nhà lửa, mặc dù các dục có vị ngọt của nó nhưng chính vị ngọt đó thiêu đốt tâm can của chúng ta và hủy hoại các thiện pháp. Trong tác phẩm Miếng da lừa của nhà văn Pháp Honoré de Balzac có hình tượng miếng da lừa thần có thể đáp ứng bất cứ điều ước gì ngoại trừ một điều ước: miếng da không co lại. Chàng thư sinh Raphaen đến bước tận cùng của suy nghĩ thì được một ông lão bán đồ cổ tặng cho miếng da lừa thần, mỗi lần ước muốn chàng đều được như sở nguyện nhưng đồng thời miếng da co lại một ít và sức khỏe của chàng giảm sút theo, ngày chết của chàng cũng theo đó mà kề cận đúng như lời cảnh báo của ông lão. Cứ thế chàng Raphaen chết dần theo những mong ước của mình. Đúng như nhân vật ông lão bán đồ cổ đã nói: “ước muốn giết chết con người”. Chúng ta để mặc những ham muốn đốt cháy thiện nghiệp và mạng sống của chính chúng ta; làm lớn mạnh ái, thủ, hữu để bước sang kiếp khác với một đời sống nhiệt não bức bách hơn.
Trong cuộc sống tu tập, việc thường xuyên quán chiếu về kiếp sống mong manh và bức não là điều không thể thiếu, bởi đó là động lực thúc đẩy sự nỗ lực của chúng ta. Đức Phật dạy:“Không ai điều đình được, với đại quân thần chết”. Cái chết có thể đến bất ngờ mà không ai có thể ngăn cản nổi. Cái được cái mất rút cuộc chẳng còn lại gì, chỉ còn lại tâm lý chấp trước tạo thành nghiệp lực dẫn sanh kiếp khác. Cho nên truy tìm quá khứ, vị lai chỉ là vọng động tâm thức, không mang lại kết quả an lạc. Không những thế, đối với các pháp trong hiện tại cũng phải chế ngự không để bị lôi cuốn. Bị lôi cuốn chắc chắn sẽ bị đọa lạc. Sống kiên trì tự tại trong tâm thức cô tịch như thế thì sẽ vượt ra ngoài vòng kiềm tỏa của các điều kiện sinh hóa, mới xứng đáng gọi là bậc xuất gia, trưởng tử của Như Lai.

Thanh Hòa

Không có nhận xét nào: