Thứ Năm, tháng 9 06, 2012

Học Là Một Đức Hạnh Cao Quí


Từ xa xưa, loài người đã biết đề cao vai trò của tri thức, do vậy đức Khổng Tử mới có câu nói: Quân - Sư - Phụ, nghĩa là người thầy còn cao hơn cả người cha sinh thành. Sự quan trọng ở đây không phải ở khía cạnh quyền uy hay bổn phận mà chính là tôn trọng vai trò tri thức mà người thầy có thể khai mở cho người học trò.
Cái học nâng cao sự hiểu biết và cũng từ đó nâng cao nhân phẩm và nhân cách của con người. Không học, không có tri thức, con người không còn phân biệt được đạo lí, không biết chế ngự những tâm lí thấp kém trong bản thân, huống gì là Phật đạo nhiệm mầu cao thâm làm sao có thể thấy. Sẽ có người biện lí, học không thấy được đạo. Vâng, chỉ học thôi tất nhiên không phải là con đường rốt ráo trong Phật đạo, nhưng nó là nền tảng cho sự nhận thức, cho sự quyết trạch và thực hành các pháp tu. Đó là lí do mà tất cả kinh điển Phật Giáo đều nhấn mạnh yếu tố trí tuệ, hoặc thấp hơn, đó là tuệ minh sát: là khả năng phân biệt những gì đang đến với chúng ta. Đó là thâm ý của chư vị Tổ sư khi trước tác các bộ luận ngõ hầu xây dựng cho kẻ hậu học khả năng nhạy bén trong nhận thức. Đó là ý nghĩa của hành trình tầm sư học đạo gian lao của Thiện tài Đồng tử trong kinh Hoa Nghiêm nhiệm mầu, chàng thanh niên này vâng theo lời của thầy mình là Bồ tát Văn Thù đã đi tham vấn tất cả 53 vị có trí tuệ chuyên sâu ở mọi khía cạnh của cuộc sống.