Từ xa xưa, loài người
đã biết đề cao vai trò của tri thức, do vậy đức Khổng Tử mới có câu nói: Quân - Sư -
Phụ, nghĩa là người thầy còn cao hơn cả người cha sinh thành. Sự quan trọng ở
đây không phải ở khía cạnh quyền uy hay bổn phận mà chính là tôn trọng vai trò
tri thức mà người thầy có thể khai mở cho người học trò.
Cái học nâng cao sự hiểu
biết và cũng từ đó nâng cao nhân phẩm và nhân cách của con người. Không học,
không có tri thức, con người không còn phân biệt được đạo lí, không biết chế ngự
những tâm lí thấp kém trong bản thân, huống gì là Phật đạo nhiệm mầu cao thâm
làm sao có thể thấy. Sẽ có người biện lí, học không thấy được đạo. Vâng, chỉ học
thôi tất nhiên không phải là con đường rốt ráo trong Phật đạo, nhưng nó là nền
tảng cho sự nhận thức, cho sự quyết trạch và thực hành các pháp tu. Đó là lí do
mà tất cả kinh điển Phật Giáo đều nhấn mạnh yếu tố trí tuệ, hoặc thấp hơn, đó
là tuệ minh sát: là khả năng phân biệt những gì đang đến với chúng ta. Đó là
thâm ý của chư vị Tổ sư khi trước tác các bộ luận ngõ hầu xây dựng cho kẻ hậu học
khả năng nhạy bén trong nhận thức. Đó là ý nghĩa của hành trình tầm sư học đạo
gian lao của Thiện tài Đồng tử trong kinh Hoa Nghiêm nhiệm mầu, chàng thanh
niên này vâng theo lời của thầy mình là Bồ tát Văn Thù đã đi tham vấn tất cả 53
vị có trí tuệ chuyên sâu ở mọi khía cạnh của cuộc sống.
Với xu thế hiện nay, các Tăng Ni Sinh trẻ phần nhiều ít ham học, một phần do lối sống trọng vật chất của xã hội tác động, một phần bị cái tính “dễ buông xuôi” (gọi là “nọa (đọa) tính”) của con người khiến cho họ có xu hướng chấp nhận một lối sống dễ dàng mà không chọn lối sống thử thách chông gai. Học là con đường nhọc nhằn, ai cũng hiểu điều đó. Nhưng ở đời, có nhọc nhằn mới có kết quả tốt đẹp, “ngọc trong đá” là ý nghĩa đó.
Cái nhọc nhằn gian lao
đầy ý nghĩa của việc học hỏi và tu tập không ngừng hun bồi nên phẩm chất cao đẹp
trong tư cách người tu sĩ, điều đó hết sức cần thiết cho những người xuất gia
trẻ trong thời đại ngày hôm nay. Xã hội ngày hôm nay dễ dàng tạo ra một con người
nổi tiếng nhưng không dễ tác thành một con người cao thâm. Cái chúng ta cần là
cái cao thâm trong tâm trí chứ không phải chút hư danh nơi tiếng đời. Trong lời
giới thiệu dẫn nhập vào Cao Tăng Truyện, tác giả Huệ Hạo đã trình bày quan điểm
của mình khi định danh cho các nhân vật của ông và đồng thời cũng là những nhân
vật lịch sử. Ông nói: “Nổi tiếng chỉ là cái vỏ bên ngoài đối với thực chất bên
trong. Người có sự thành tựu nhưng bên ngoài không để lộ, đó là cao thâm mà
không nổi tiếng; người đức ít nhưng gặp thời, đó là nổi tiếng nhưng không phải
là cao thâm.”[1]
Chúng ta học cũng là để nhận thức được điều đó.
Trong giáo lí nền tảng
của Phật Giáo, Đức Phật và các vị Tổ Sư gọi tiến trình tu tập Giới - Định - Tuệ là Tam học (ba môn học)
mà tại sao không gọi là ba cái gì khác? Chúng ta suy nghĩ để thấy thêm ý nghĩa
của chữ học và việc học. Đến như chữ “giới” là Sila trong tiếng Phạn, hiểu đúng
như các vị Luật sư cũng phải là “học giới” chứ không phải là giới cấm, hay giới
điều như nhiều người vẫn hiểu.
Nhìn lại lịch sử Phật
Giáo, người tu sĩ qua các thời đại luôn luôn giữ vai trò trí thức của mình
trong xã hội. Đức Phật có thể đứng vững giữa xã hội Ấn Độ, một xã hội ưa chuộng
sự biện luận, là nhờ Ngài có tứ vô ngại. Vô ngại bởi Ngài thông suốt, không còn
chướng ngại: vô ngại đối với tất cả các pháp, vô ngại đối với tất cả nghĩa lí,
vô ngại đối với tất cả ngôn ngữ, và vô ngại đối với tất cả phương pháp biện luận.
Các Tổ Sư Trung Hoa, Việt Nam nếu không thông thái thì làm sao có thể “Tam giáo
đồng nguyên” hay sau này còn vượt trội Lão, Khổng trong khi hai đạo này đã ăn
sâu gốc rễ trong mọi tầng lớp của xã hội. Trí tuệ của các Ngài thể hiện không
chỉ ở trình độ chứng nghiệm mà quan trọng còn ở cách thức tiếp nhận và hướng dẫn
người khác cùng đạt được những gì mình đã đạt. Đó cũng chính là đạo lí mà người
thực hành Bồ tát hạnh phải trau dồi học hỏi qua hai phạm trù Trí tuệ và Phương tiện
(hay trí tuệ và từ bi). Trong lịch sử Phật Giáo khắp các nước, chùa chiền đã từng
và đang là các trung tâm tu học, nơi đó hoạt động xảy ra nhiều nhất là tham vấn,
học hỏi. Nếu người tu sĩ trong thời đại mới không còn đảm bảo được vài trò tri
thức thì thật khó để giữ được truyền thống chính yếu đó.
Phật Giáo tồn tại giữa
cuộc đời với vai trò “dẫn đạo” chứ không phải “tùy đạo”. Chúng ta phải tu bồi bản
thân bằng cả tu và học để có thể hướng dẫn mọi người chứ không phải chỉ chấp nhận
để từ đó “tùy” theo một vài xu thế đang lên. Chúng ta không có tri thức, sẽ
không lí giải được những thắc mắc của người tại gia đến cầu học, rồi từ đó cũng
dần đánh mất vai trò dẫn đạo của mình. Đây cũng là những thách thức cho hàng
ngũ xuất gia trẻ trong thời đại “thế giới phẳng”[2],
nơi mà các mối quan hệ và trật tự xã hội cũ đều hầu như bị đảo lộn.
Đạo có thể quang minh
được hay không đều là nhờ ở công hoằng hóa của chư Tăng. Giáo lí Đạo Phật dù có
thâm sâu đến đâu, nếu người nắm giềng mối không có được quyền - trí (sự tinh xảo
của phương tiện và trí tuệ) thì đạo cũng sẽ bị lu mờ. Ý thức được vai trò và
trách nhiệm của mình để nỗ lực phấn đấu, đó là tinh thần của mỗi Tăng Ni trẻ
ngày hôm nay.
Delhi, 11/8/2012
Thích Thanh Hòa
Thích Thanh Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét