Mùa hoa Ưu Ðàm lại nở, hàng triệu triệu tấm
lòng người con Phật khắp nơi trên thế giới đang hân hoan chờ đón, tưởng niệm
ngày Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni đản sinh, ngày Đấng Giác Ngộ thị hiện giữa cuộc
đời, ngày thế gian tràn ngập ánh từ quang rạng ngời.
Ðức Phật thị hiện giữa cuộc đời bằng bi
nguyện độ sinh. Bi nguyện ấy thể hiện qua lòng thương yêu muôn loài, tôn trọng
sinh mạng của hết thảy chúng sanh. Sự hiện hữu của Đấng Giác Ngộ ở giữa cuộc đời
chính là bức Thông Ðiệp Hòa Bình gởi đến mọi loài chúng sinh trong tam giới.
Sự xuất hiện của Ðức Phật chính là sự khai
mở ánh sáng Chân Lý, giải bày Phật Tánh, Chân Tâm để cho con người từ địa vị
phàm phu chuyển thành Thánh giả. Ý nghĩa đó đã được đức Phật tuyên thuyết trong
kinh Pháp Hoa:
“Ðức
Phật Thế Tôn chỉ do một nhân duyên lớn mà hiện ra nơi đời. Các Ðức Phật Thế Tôn
vì muốn cho chúng sinh khai mở Tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh thấy được Tri Kiến Phật mà hiện ra
nơi đời; vì muốn cho
chúng sinh tỏ ngộ Tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh chứng
nghiệm Đạo Tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời.”
Vì một nhân duyên lớn như vậy, nên Đức Phật
đã khéo léo dùng phương tiện, thiết lập những hệ giáo pháp khác nhau cho mỗi
trình độ căn cơ.
Là người cư sĩ tại gia, Ðức Phật giảng dạy
giáo pháp xây dựng một đời sống hiện thực: hạnh phúc gia đình, an bình quốc gia
xã hội. Tự mỗi người nỗ lực thanh lọc thân tâm và sống đúng như thật. Tự mỗi
người phải có bổn phận, trách nhiệm trong cộng đồng liên đới: Sự tương giao tốt
đẹp giữa cha mẹ và con cái; giữa thầy và trò; giữa bạn bè và bà con láng giềng;
giữa chủ và nhân viên; giữa cư sĩ và tu sĩ ... Tất cả đều được bắt nguồn và
khơi dậy bằng ý thức tự giác.
Là người tu sĩ xuất gia, Ðức Phật dạy phải
nỗ lực thực tập thiền định, chẳng hạn như pháp quán niệm trên bốn phạm trù
‘thân, thọ, tâm và pháp’, để giữ tâm tĩnh giác và luôn đi trên lộ trình giác ngộ
giải thoát. Đức Phật còn đi xa hơn, Ngài huấn thị các hàng Thánh chúng đệ tử
hãy mang tinh thần hóa độ đến cho tất cả, cho từng cá nhân, từng gia đình, từng
quốc gia xã hội chứ không chỉ lo tu tập và chứng đắc cho riêng mình. Tinh thần
hóa độ đó Ðức Phật dạy: “Vì lòng
thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc của chư Thiên và nhân loại, các Thầy hãy đi
giáo hóa, đi vì hạnh phúc muôn nơi; gieo rắc hương vị giải thoát đến khắp mọi nẻo
đường, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, vua chúa hay quần chúng bình
dân... hãy lên đường bằng hành trang của người giác ngộ.”
Ðức Phật đã thiết lập và kiện toàn giáo
pháp phương tiện, để cho tất cả mọi người có được chiếc bè giác ngộ vượt khỏi
sông mê. Ðó là mục đích tối hậu và cũng là ý nghĩa cao quý của ngày Phật Ðản.
Hôm nay, những người con Phật chúng ta
trang trọng cử hành kỷ niệm ngày đức Từ phụ Thích Ca Khánh Ðản là soi rọi lòng
mình, trắc nghiệm thâm tâm, nguyện nỗ lực tu tập đem lợi ích cho tự thân và tha
nhân. Khi xưa, nơi miền Thánh địa, bảy bước chân của Thái Tử Tất Ðạt Ða hiện
thành bảy đóa sen hồng trong khu vườn Lâm Tì Ni. Bảy dấu chân ấy vẫn còn hiển
hiện đến ngày nay và cả ngàn sau để khơi lối cho lòng người muôn thế hệ.
Phật Lịch 2559.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét