Cuộc sống là quá trình vận hành không gián đoạn của dòng tâm thức, hay nghiệp lực. Mỗi chúng sanh tùy theo nghiệp nhân đã tạo mà luân chuyển từ đời này sang đời khác, từ cõi này sang cõi khác. Cho đến, thế giới hiện tượng xung quanh cũng là kết quả biến thái từ nghiệp nhân của chủ thể, cũng gọi là y báo dựa trên chánh báo mà vận hành. Hay nói khác đi, muôn sai ngàn biệt của thế giới đều là kết quả y cứ trên nghiệp lực của chúng sanh, như luận Câu-xá nói: “Thế gian do nghiệp sanh”[1]. Luận Thành duy thức cũng dẫn lời kinh: “thế gian xuất hiện do ảnh hưởng cộng đồng bởi lực tăng thượng của nghiệp của tất cả hữu tình”[2]. Mỗi chúng sanh, dù thuộc cảnh giới nào, cao hay thấp, vui sướng hay khổ đau, tất cả đều phải nhận lấy trách nhiệm về hành vi của chính mình mà không thể nhờ một ai khác chịu lãnh thay. Chính đức Phật đã dạy: “chúng sanh chính là kẻ thừa tự những hành vi (nghiệp) nó đã làm trong quá khứ”. Hành vi ấy, tức là nghiệp, theo đuổi chúng sanh suốt quãng đường sinh hóa như bóng theo hình, như một sự kế thừa tất yếu từ cái đi trước để lại. Trong kinh Tiểu nghiệp phân biệt (Majjhima Nikāya 135, Culakammavibhanga sutta), đức Phật dạy rằng: “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu”[3]. Một người làm lành lánh dữ thì trước sau gì cũng nhận lấy những điều tốt đẹp mà họ đã vun bồi, trong đời sống hiện tại tâm luôn được an vui; trái lại, người mang tâm địa xấu xa, hành động luôn luôn đe dọa đến sự yên lành và ích lợi của kẻ khác thì không những về sau phải nhận lấy những hậu quả đen tối mà ngay trong giây phút hiện tại, trong lòng phải canh cánh những nỗi lo âu khiếp hãi. Bắt nguồn từ nhận thức đơn giản mà giàu tính hướng thượng ấy nên trong dân gian mới có câu “gieo gió gặt bão”.
Như thế có nghĩa rằng, nhìn ở góc độ bình phàm, giáo lý nghiệp mang tính nhân bản và định hướng cho một xã hội tốt đẹp. Hơn thế nữa, từ quan điểm tâm linh tìm cầu chân hạnh phúc, giáo lý nghiệp đặt nền móng căn bản cho con đường giải thoát sanh tử khổ đau, đạt đến cảnh giới tự tại vô ngại trong sự an vui không giới hạn. Bởi vì có sanh tử là do nghiệp lực, đức Phật xuất hiện ở thế gian, suốt cả cuộc đời giáo hóa chỉ nói đến con đường thoát ly sanh tử, mà thoát ly sanh tử thì phải đoạn trừ nghiệp nhân. Chính vì thế, giáo lý về nghiệp là giáo lý hết sức căn bản và quan yếu trong tam tạng giáo điển của Phật giáo; nó là cơ sở để người học Phật ý thức về hành vi và quá trình tu tập của bản thân.
Định nghĩa
Nghiệp, tiếng Sanskrit là karma, tiếng Pāli là kamma, người Trung Hoa phiên âm là yết-ma (羯磨), là năng lực dẫn sinh quả báo (Skt. vipāka) được hình thành do những hành động có ý thức. Một cách đơn giản hơn nữa, nghiệp được đồng nhất với hành vi, như luận Câu-xá định nghĩa: “tạo tác gọi là nghiệp”. Có nghĩa rằng, nghiệp là hành động có tác ý (volitional action), bởi vì nói tới hành động là nói tới ảnh hưởng của nó, ảnh hưởng này quy định kết quả theo sau, cái mà ta gọi là quả báo.
Như thế, mọi hoạt động của chúng ta qua hai ngõ thân và miệng dưới tác dụng chỉ đạo của ý đều là nghiệp, bao gồm cả thiện lẫn ác. Không những thế, như kinh Tăng nhất A-hàm khẳng định “tác ý là nghiệp”; ý còn có thể tự nó hình thành nghiệp mà không cần phải thông qua hoạt động của thân và miệng, tạo nên tính chất nổi trội của nó trong giáo lý cũng như trong đời sống tâm linh của Phật giáo[4]. Khi hành động có ý thức được phát ra thì nó tạo thành một thế lực, đó là một dạng năng lực tiềm ẩn và ta gọi là nghiệp lực; chính nghiệp lực này thúc đẩy sự chuyển hóa của chúng sanh trong vòng sanh tử luân hồi (Skt. saṃsāra), tức là quy định đời sống về sau (hậu hữu: 後有, Skt. punar-bhava). Đứng ở góc độ nhân quả thì thế lực đó được gọi là nghiệp nhân (karma-hetu), tức là nhân duyên cho quá trình hình thành quả, còn kết quả hình thành từ thế lực ấy được gọi là nghiệp quả hoặc nghiệp báo (karma-vipāka).
Nghiệp là một định luật phổ quát mang tính tự nhiên và không thiên vị của đạo lý nhân quả; không có bất kỳ sự can hệ nào với những cái được mệnh danh là năng lực siêu nhiên, sự trừng phạt hay tha thứ của đấng tối cao. Và như thế, nói tới nghiệp là nói tới định luật nhân quả, hay nói đúng hơn, nghiệp chính là định luật nhân quả. Luật nhân quả ấy có thể được thể hiện trong đời này hay đời sau hoặc những đời sau nữa, tạo nên sự liên tục của dòng sinh mệnh.
Truy nguyên khái niệm Nghiệp
Đất nước Ấn Độ từ xưa vốn là mảnh đất của sự trầm tư mặc tưởng, triết học và tôn giáo phát triển song hành mà không cần phải có sự phân biệt rạch ròi. Chính trong bối cảnh ấy quan niệm Nghiệp (Karma) ra đời, rồi nhanh chóng trở thành tư tưởng đặc hữu và thịnh hành trong đời sống của con người ở đây. Người ta thấy rằng khái niệm nghiệp xuất hiện rất sớm trong các thánh thư Vệ-đà và phi Vệ-đà[5], tất nhiên ý nghĩa chưa nhất quán và còn mơ hồ. Khởi nguyên, khái niệm nghiệp được hình thành từ quan niệm luân hồi (saṃsāra). Người ta nghĩ rằng con người chịu luân hồi phải y cứ trên một căn nguyên nào đó, và cái đó chính là nghiệp. Theo sự nghiên cứu của nhà Phật học Kimura Taiken (1881-1930), tư tưởng “y nghiệp luân hồi” xuất hiện cuối thời kỳ Phạm thư (Brāhmaṇa), và được kiện toàn vào thời Áo nghĩa thư (Upaniṣad) đồng thời với thuyết Thường ngã (Skt. Ātman)[6]. Thời đại của đức Phật thuộc khoảng trung kỳ của Áo nghĩa thư, có nghĩa là tư tưởng nghiệp đã trở thành phổ biến. Đức Phật vốn là Đấng đạo sư chỉ bày con đường thoát khổ, Ngài có khuynh hướng kế thừa những quan niệm đang thịnh hành mà có phần phù hợp với giáo lý do Ngài tìm thấy rồi chuyển tải vào đó những nội dung mới, đúng đắn hơn theo tri kiến như thật của Ngài. Khái niệm nghiệp đã được đức Phật thái dụng theo cách thức ấy với sự biến đổi phạm trù ý nghĩa của nó từ cưu mang một Ngã thể sang Vô ngã. Chính sự biến đổi này tạo nên sự khác nhau rất lớn giữa Phật giáo và các tôn giáo khác của Ấn Độ khi quan niệm về nghiệp.
Nên nhớ, trong truyền thống tư tưởng của Trung Hoa và nước ta, khái niệm nghiệp (karma) này vốn không có, mãi đến khi Phật giáo được truyền vào thì các nhà học Phật mới mượn chữ “nghiệp” trong khái niệm “nghiệp vụ”, “sự nghiệp” để dịch chữ “karma” mà hình thành. Cũng chính vì vậy mà ở một chừng mực nào đó, nhiều người đã hiểu không đúng chữ nghiệp (karma) trong Phật giáo khi nhìn nó qua lăng kính thuyết định mệnh của Nho giáo - một tư tưởng thống trị đã tạo cho người Trung Hoa và nước ta mặc cảm bị áp bức và an phận.
Những khác biệt giữa các tôn giáo về quan niệm Nghiệp
Như trên có nhắc đến, quan niệm nghiệp vốn rất thịnh hành trong truyền thống triết học và tôn giáo của Ấn Độ, vả lại Ấn Độ là một đất nước có nhiều giáo phái và trào lưu tư tưởng khác nhau cùng tồn tại qua các thời kỳ, vì thế cho nên, quan niệm nghiệp của mỗi giáo phái cũng có những nét đặc thù, không phải hoàn toàn giống nhau. Có 3 hệ thống tôn giáo chính chủ trương nghiệp, đó là Phật giáo, Kỳ-na giáo và Ấn giáo.
Với Phật giáo, nghiệp là hành động mà hành động ấy hoàn toàn vắng bặt sự hiện diện của một ngã thể; nó chỉ là quy luật nhân quả báo ứng, không có chủ thể đứng đằng sau. Lời tuyên bố của đức Phật về sự thiếu vắng một chủ thể hành động ấy thực sự là một chấn động kinh hồn trong tâm tưởng của con người mọi thời đại, nhất là với những ai đang cưu mang một cái ngã và ngủ yên với nó. Khẳng định lại quan điểm của đức Phật, ngài Phật Âm (Buddhaghoṣa) viết như sau trong tác phẩm nổi tiếng Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga):
"Không có người tạo nghiệp
Cũng không có người hưởng quả
Chỉ có những phần tử hòa hợp trôi chảy
Đó chính là nhận thức chân chánh”[7].
Ý tưởng nghiệp có lẽ xuất phát từ tiền thân của Kỳ-na giáo (Jainism) rồi ảnh hưởng đến các giáo phái khác và là một giáo lý căn bản của phái này. Vào thời đức Phật, Kỳ-na giáo là một trong sáu phái ngoại đạo rất có tiếng tăm[8]. Phái này chủ trương một thuyết nghiệp vô thần, mang tính vật chất vi tế. Nghiệp ác có tính nặng khiến cho linh hồn (jīva) bị rơi vào các nơi thấp kém, nghiệp thiện có tính nhẹ nên linh hồn sinh vào những chỗ cao quý. Dù thiện hay ác đều là trói buộc, làm cho linh hồn không được giải thoát, cho nên phái này chủ trương khổ hạnh để đốt cháy nghiệp, giải phóng linh hồn ra khỏi vòng luân hồi. Kỳ-na giáo đưa ra khái niệm tam phạt nghiệp (Skt. trīṇi daṇḍāni): thân phạt (kāya-daṇḍa), khẩu phạt (vāg-daṇḍa) và ý phạt (mano-daṇḍa) tương đương với tam nghiệp. Điểm khác biệt chủ yếu giữa Phật giáo và Kỳ-na giáo trên vấn đề nghiệp là Kỳ-na giáo chú trọng về thân phạt (tương đương với thân nghiệp) còn Phật giáo chú trọng đến ý nghiệp. Cuộc đàm thoại giữa đức Phật và một giáo sĩ Kỳ-na giáo được ghi lại trong kinh Đại phẩm Ưu-bà-ly của Trung A-hàm[9] đã nói lên điều đó. Do sự khác nhau trên góc độ phán quyết này nên phương pháp tu tập cũng khác nhau.
Ở Ấn Độ giáo (Hinduism), từ karma xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn Rig-veda với ý nghĩa tế lễ, hành động hiến cúng; mãi cho đến thời đại Upaniṣad, nó mới thực sự mang ý nghĩa mối quan hệ nhân quả của hành động để rồi phát triển hoàn chỉnh tư tưởng luân hồi nghiệp báo. Nét nổi bật trong quan niệm nghiệp của Ấn Độ giáo là có một linh hồn cá thể (Jīva) mang nghiệp đi tái sinh. Đó là cái linh hồn bất biến mà thánh điển Upaniṣad mô tả như sau: “Nếu Người tưởng Người là kẻ giết người hay là Người sẽ bị người ta giết, cả hai đàng Người đều lầm tưởng. Linh hồn chẳng hề giết hay bị giết”[10]. Linh hồn này ẩn trú trong cái thân vi tế (śūkṣma śarīra) mang theo hạt giống của nghiệp, tùy theo nghiệp ấy mà chịu sự luân hồi (saṃsāra) và nhận lãnh quả báo ở cái thân thô phù do tứ đại hợp thành (sthūla śarīra). Thông qua cái thân thô phù này, linh hồn tiếp tục tạo nghiệp và luân hồi; cứ thế cho đến khi linh hồn giải thoát khỏi sự trói buộc của nghiệp nhờ vào các phương pháp tu tập Yoga thì không còn tái sinh nữa và vòng luân hồi chấm dứt. Ngoài ra, có một nét khác biệt nữa khi quan niệm về nghiệp giữa Ấn Độ giáo và các giáo phái khác, cụ thể là Phật giáo và Kỳ-na giáo, đó là vai trò nối kết giữa nghiệp và linh hồn của thần Shiva, vị thần này đóng vai trò như một thứ ánh sáng soi đường cho nghiệp tìm đến đúng với chủ nhân của nó.
Thích Thanh Hòa.
[1] A-tì-đạt-ma-câu-xá luận, Phân biệt nghiệp phẩm, Đại 29, trang 0067b.
[2] Thành duy thức luận: Đại 31, số 1585, trang 0010c.
[3] HT. Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ III, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1992, tr.474. Cf. Trung A-hàm kinh, q.43, Anh vũ kinh (鸚鵡經): Đại 01, tr.703c-706b.
[4] “Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói năng hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe theo chân con vật kéo. Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý thanh tịnh, nói năng hay hành động, an lạc bước theo sau, như bóng không rời hình” (Dhammapada 1, 2).
[5] Theo John Bowker, chủ biên cuốn The Oxford dictionary of world religions, thì từ “karma” xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn Rig-veda (khoảng thế kỷ 13 trước Tây lịch, cổ nhất trong nền văn học Veda).
[6] Kimura Taiken, Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch, Khuông Việt, 1971, trang 171-172.
[7] “No doer is there does the deed; Nor is there one who feels the fruit; Constituent parts alone roll on; This view alone is orthodox”. [Henry Clarke Warren (1854-1899), Buddhism In Translations, Harvard University Press, 1896, page 248]. Cf. The Path of Purity, XIX, 20. Cf. Thanh tịnh đạo, Thích nữ Trí Hải dịch, nxb Tôn giáo, 2001, trang 1007.
[8] Giáo phái này, được xem là do Ni-kiền-đà-nhã-đề tử (Nirgrantha-jñātaputra) khai sáng, vị này cùng thời với đức Phật; thế nhưng theo truyền thuyết, trước đó đã được truyền thừa qua 23 đời tổ sư (Tirthankara).
[9] Trung A-hàm kinh, q.32, Đại phẩm Ưu-bà-li kinh, 17 (Đại 01, số 0026, tr.0628a15).
[10] Trích dẫn của Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử triết học phương Đông, tập 3, nxb TP. Hồ Chí Minh, 2001, trang 168.
Như thế có nghĩa rằng, nhìn ở góc độ bình phàm, giáo lý nghiệp mang tính nhân bản và định hướng cho một xã hội tốt đẹp. Hơn thế nữa, từ quan điểm tâm linh tìm cầu chân hạnh phúc, giáo lý nghiệp đặt nền móng căn bản cho con đường giải thoát sanh tử khổ đau, đạt đến cảnh giới tự tại vô ngại trong sự an vui không giới hạn. Bởi vì có sanh tử là do nghiệp lực, đức Phật xuất hiện ở thế gian, suốt cả cuộc đời giáo hóa chỉ nói đến con đường thoát ly sanh tử, mà thoát ly sanh tử thì phải đoạn trừ nghiệp nhân. Chính vì thế, giáo lý về nghiệp là giáo lý hết sức căn bản và quan yếu trong tam tạng giáo điển của Phật giáo; nó là cơ sở để người học Phật ý thức về hành vi và quá trình tu tập của bản thân.
Định nghĩa
Nghiệp, tiếng Sanskrit là karma, tiếng Pāli là kamma, người Trung Hoa phiên âm là yết-ma (羯磨), là năng lực dẫn sinh quả báo (Skt. vipāka) được hình thành do những hành động có ý thức. Một cách đơn giản hơn nữa, nghiệp được đồng nhất với hành vi, như luận Câu-xá định nghĩa: “tạo tác gọi là nghiệp”. Có nghĩa rằng, nghiệp là hành động có tác ý (volitional action), bởi vì nói tới hành động là nói tới ảnh hưởng của nó, ảnh hưởng này quy định kết quả theo sau, cái mà ta gọi là quả báo.
Như thế, mọi hoạt động của chúng ta qua hai ngõ thân và miệng dưới tác dụng chỉ đạo của ý đều là nghiệp, bao gồm cả thiện lẫn ác. Không những thế, như kinh Tăng nhất A-hàm khẳng định “tác ý là nghiệp”; ý còn có thể tự nó hình thành nghiệp mà không cần phải thông qua hoạt động của thân và miệng, tạo nên tính chất nổi trội của nó trong giáo lý cũng như trong đời sống tâm linh của Phật giáo[4]. Khi hành động có ý thức được phát ra thì nó tạo thành một thế lực, đó là một dạng năng lực tiềm ẩn và ta gọi là nghiệp lực; chính nghiệp lực này thúc đẩy sự chuyển hóa của chúng sanh trong vòng sanh tử luân hồi (Skt. saṃsāra), tức là quy định đời sống về sau (hậu hữu: 後有, Skt. punar-bhava). Đứng ở góc độ nhân quả thì thế lực đó được gọi là nghiệp nhân (karma-hetu), tức là nhân duyên cho quá trình hình thành quả, còn kết quả hình thành từ thế lực ấy được gọi là nghiệp quả hoặc nghiệp báo (karma-vipāka).
Nghiệp là một định luật phổ quát mang tính tự nhiên và không thiên vị của đạo lý nhân quả; không có bất kỳ sự can hệ nào với những cái được mệnh danh là năng lực siêu nhiên, sự trừng phạt hay tha thứ của đấng tối cao. Và như thế, nói tới nghiệp là nói tới định luật nhân quả, hay nói đúng hơn, nghiệp chính là định luật nhân quả. Luật nhân quả ấy có thể được thể hiện trong đời này hay đời sau hoặc những đời sau nữa, tạo nên sự liên tục của dòng sinh mệnh.
Truy nguyên khái niệm Nghiệp
Đất nước Ấn Độ từ xưa vốn là mảnh đất của sự trầm tư mặc tưởng, triết học và tôn giáo phát triển song hành mà không cần phải có sự phân biệt rạch ròi. Chính trong bối cảnh ấy quan niệm Nghiệp (Karma) ra đời, rồi nhanh chóng trở thành tư tưởng đặc hữu và thịnh hành trong đời sống của con người ở đây. Người ta thấy rằng khái niệm nghiệp xuất hiện rất sớm trong các thánh thư Vệ-đà và phi Vệ-đà[5], tất nhiên ý nghĩa chưa nhất quán và còn mơ hồ. Khởi nguyên, khái niệm nghiệp được hình thành từ quan niệm luân hồi (saṃsāra). Người ta nghĩ rằng con người chịu luân hồi phải y cứ trên một căn nguyên nào đó, và cái đó chính là nghiệp. Theo sự nghiên cứu của nhà Phật học Kimura Taiken (1881-1930), tư tưởng “y nghiệp luân hồi” xuất hiện cuối thời kỳ Phạm thư (Brāhmaṇa), và được kiện toàn vào thời Áo nghĩa thư (Upaniṣad) đồng thời với thuyết Thường ngã (Skt. Ātman)[6]. Thời đại của đức Phật thuộc khoảng trung kỳ của Áo nghĩa thư, có nghĩa là tư tưởng nghiệp đã trở thành phổ biến. Đức Phật vốn là Đấng đạo sư chỉ bày con đường thoát khổ, Ngài có khuynh hướng kế thừa những quan niệm đang thịnh hành mà có phần phù hợp với giáo lý do Ngài tìm thấy rồi chuyển tải vào đó những nội dung mới, đúng đắn hơn theo tri kiến như thật của Ngài. Khái niệm nghiệp đã được đức Phật thái dụng theo cách thức ấy với sự biến đổi phạm trù ý nghĩa của nó từ cưu mang một Ngã thể sang Vô ngã. Chính sự biến đổi này tạo nên sự khác nhau rất lớn giữa Phật giáo và các tôn giáo khác của Ấn Độ khi quan niệm về nghiệp.
Nên nhớ, trong truyền thống tư tưởng của Trung Hoa và nước ta, khái niệm nghiệp (karma) này vốn không có, mãi đến khi Phật giáo được truyền vào thì các nhà học Phật mới mượn chữ “nghiệp” trong khái niệm “nghiệp vụ”, “sự nghiệp” để dịch chữ “karma” mà hình thành. Cũng chính vì vậy mà ở một chừng mực nào đó, nhiều người đã hiểu không đúng chữ nghiệp (karma) trong Phật giáo khi nhìn nó qua lăng kính thuyết định mệnh của Nho giáo - một tư tưởng thống trị đã tạo cho người Trung Hoa và nước ta mặc cảm bị áp bức và an phận.
Những khác biệt giữa các tôn giáo về quan niệm Nghiệp
Như trên có nhắc đến, quan niệm nghiệp vốn rất thịnh hành trong truyền thống triết học và tôn giáo của Ấn Độ, vả lại Ấn Độ là một đất nước có nhiều giáo phái và trào lưu tư tưởng khác nhau cùng tồn tại qua các thời kỳ, vì thế cho nên, quan niệm nghiệp của mỗi giáo phái cũng có những nét đặc thù, không phải hoàn toàn giống nhau. Có 3 hệ thống tôn giáo chính chủ trương nghiệp, đó là Phật giáo, Kỳ-na giáo và Ấn giáo.
Với Phật giáo, nghiệp là hành động mà hành động ấy hoàn toàn vắng bặt sự hiện diện của một ngã thể; nó chỉ là quy luật nhân quả báo ứng, không có chủ thể đứng đằng sau. Lời tuyên bố của đức Phật về sự thiếu vắng một chủ thể hành động ấy thực sự là một chấn động kinh hồn trong tâm tưởng của con người mọi thời đại, nhất là với những ai đang cưu mang một cái ngã và ngủ yên với nó. Khẳng định lại quan điểm của đức Phật, ngài Phật Âm (Buddhaghoṣa) viết như sau trong tác phẩm nổi tiếng Thanh tịnh đạo (Visuddhimagga):
"Không có người tạo nghiệp
Cũng không có người hưởng quả
Chỉ có những phần tử hòa hợp trôi chảy
Đó chính là nhận thức chân chánh”[7].
Ý tưởng nghiệp có lẽ xuất phát từ tiền thân của Kỳ-na giáo (Jainism) rồi ảnh hưởng đến các giáo phái khác và là một giáo lý căn bản của phái này. Vào thời đức Phật, Kỳ-na giáo là một trong sáu phái ngoại đạo rất có tiếng tăm[8]. Phái này chủ trương một thuyết nghiệp vô thần, mang tính vật chất vi tế. Nghiệp ác có tính nặng khiến cho linh hồn (jīva) bị rơi vào các nơi thấp kém, nghiệp thiện có tính nhẹ nên linh hồn sinh vào những chỗ cao quý. Dù thiện hay ác đều là trói buộc, làm cho linh hồn không được giải thoát, cho nên phái này chủ trương khổ hạnh để đốt cháy nghiệp, giải phóng linh hồn ra khỏi vòng luân hồi. Kỳ-na giáo đưa ra khái niệm tam phạt nghiệp (Skt. trīṇi daṇḍāni): thân phạt (kāya-daṇḍa), khẩu phạt (vāg-daṇḍa) và ý phạt (mano-daṇḍa) tương đương với tam nghiệp. Điểm khác biệt chủ yếu giữa Phật giáo và Kỳ-na giáo trên vấn đề nghiệp là Kỳ-na giáo chú trọng về thân phạt (tương đương với thân nghiệp) còn Phật giáo chú trọng đến ý nghiệp. Cuộc đàm thoại giữa đức Phật và một giáo sĩ Kỳ-na giáo được ghi lại trong kinh Đại phẩm Ưu-bà-ly của Trung A-hàm[9] đã nói lên điều đó. Do sự khác nhau trên góc độ phán quyết này nên phương pháp tu tập cũng khác nhau.
Ở Ấn Độ giáo (Hinduism), từ karma xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn Rig-veda với ý nghĩa tế lễ, hành động hiến cúng; mãi cho đến thời đại Upaniṣad, nó mới thực sự mang ý nghĩa mối quan hệ nhân quả của hành động để rồi phát triển hoàn chỉnh tư tưởng luân hồi nghiệp báo. Nét nổi bật trong quan niệm nghiệp của Ấn Độ giáo là có một linh hồn cá thể (Jīva) mang nghiệp đi tái sinh. Đó là cái linh hồn bất biến mà thánh điển Upaniṣad mô tả như sau: “Nếu Người tưởng Người là kẻ giết người hay là Người sẽ bị người ta giết, cả hai đàng Người đều lầm tưởng. Linh hồn chẳng hề giết hay bị giết”[10]. Linh hồn này ẩn trú trong cái thân vi tế (śūkṣma śarīra) mang theo hạt giống của nghiệp, tùy theo nghiệp ấy mà chịu sự luân hồi (saṃsāra) và nhận lãnh quả báo ở cái thân thô phù do tứ đại hợp thành (sthūla śarīra). Thông qua cái thân thô phù này, linh hồn tiếp tục tạo nghiệp và luân hồi; cứ thế cho đến khi linh hồn giải thoát khỏi sự trói buộc của nghiệp nhờ vào các phương pháp tu tập Yoga thì không còn tái sinh nữa và vòng luân hồi chấm dứt. Ngoài ra, có một nét khác biệt nữa khi quan niệm về nghiệp giữa Ấn Độ giáo và các giáo phái khác, cụ thể là Phật giáo và Kỳ-na giáo, đó là vai trò nối kết giữa nghiệp và linh hồn của thần Shiva, vị thần này đóng vai trò như một thứ ánh sáng soi đường cho nghiệp tìm đến đúng với chủ nhân của nó.
Thích Thanh Hòa.
[1] A-tì-đạt-ma-câu-xá luận, Phân biệt nghiệp phẩm, Đại 29, trang 0067b.
[2] Thành duy thức luận: Đại 31, số 1585, trang 0010c.
[3] HT. Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ III, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1992, tr.474. Cf. Trung A-hàm kinh, q.43, Anh vũ kinh (鸚鵡經): Đại 01, tr.703c-706b.
[4] “Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý ô nhiễm, nói năng hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe theo chân con vật kéo. Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo; nếu với ý thanh tịnh, nói năng hay hành động, an lạc bước theo sau, như bóng không rời hình” (Dhammapada 1, 2).
[5] Theo John Bowker, chủ biên cuốn The Oxford dictionary of world religions, thì từ “karma” xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn Rig-veda (khoảng thế kỷ 13 trước Tây lịch, cổ nhất trong nền văn học Veda).
[6] Kimura Taiken, Nguyên thủy Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch, Khuông Việt, 1971, trang 171-172.
[7] “No doer is there does the deed; Nor is there one who feels the fruit; Constituent parts alone roll on; This view alone is orthodox”. [Henry Clarke Warren (1854-1899), Buddhism In Translations, Harvard University Press, 1896, page 248]. Cf. The Path of Purity, XIX, 20. Cf. Thanh tịnh đạo, Thích nữ Trí Hải dịch, nxb Tôn giáo, 2001, trang 1007.
[8] Giáo phái này, được xem là do Ni-kiền-đà-nhã-đề tử (Nirgrantha-jñātaputra) khai sáng, vị này cùng thời với đức Phật; thế nhưng theo truyền thuyết, trước đó đã được truyền thừa qua 23 đời tổ sư (Tirthankara).
[9] Trung A-hàm kinh, q.32, Đại phẩm Ưu-bà-li kinh, 17 (Đại 01, số 0026, tr.0628a15).
[10] Trích dẫn của Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử triết học phương Đông, tập 3, nxb TP. Hồ Chí Minh, 2001, trang 168.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét