Thứ Năm, tháng 10 18, 2007

Chánh Niệm Ở Một Tầng Nghĩa Sâu Hơn


Thubten Chodron
Thanh Hòa dịch
Một trong những người đến thăm hội tu sỹ Phật giáo của chúng tôi - Sravasti Abbey – đã hoan hỷ làm những bảng lưu ý cho những vị khách khác. Tại quầy trà cô ta viết, “Xin vui lòng lau sạch chỗ bị đổ. Cảm ơn quý vị đã giữ chánh niệm.” Một bảng lưu ý khác trên một cánh cửa nói rằng, “Xin vui lòng đóng cửa nhẹ nhàng. Cảm ơn quý vị đã giữ chánh niệm.” Tôi đã bắt đầu băn khoăn không biết cô ta muốn nói gì qua chữ chánh niệm. Dường như nó đã trở thành một từ khác nữa trong số những từ thông dụng của Phật giáo, chẳng hạn như nghiệp, mà nhiều người dùng nhưng ít ai hiểu được.

Sau đó tôi đọc một bài báo trong đó chánh niệm được áp dụng cho trường hợp ăn một quả cam – chú tâm đến vị ngọt và các lớp tép của nó, kinh nghiệm ăn quả cam. Trong một cuộc luận đàm, tôi nghe thấy từ này được dùng để diễn tả kinh nghiệm quan sát sự vui đùa của một đứa cháu nhỏ và sự cảm nhận những giây phút vui sướng đó.
Mặc dù một số trường hợp đơn cử này có giá trị và ích lợi cho việc thực hành chánh niệm, nhưng chúng có đem lại sự giác ngộ không? Chúng có phải là những minh họa điển hình về chánh niệm như được hiểu trong các kinh điển Phật giáo truyền thống không, nơi mà chánh niệm trở thành một yếu tố cấu thành hết sức quan yếu của con đường dẫn đến giải thoát?
Chánh niệm là một từ dễ chịu đối với người Mỹ thế nhưng xả bỏ thì không. Xả bỏ gợi lên ý niệm sống trong một hang động ẩm thấp và ăn uống đạm bạc, không bạn lữ, không máy móc, hay không thẻ tín dụng. Trong nền văn hóa tiêu dùng của chúng ta, xả bỏ được xem như một con đường đưa đến khổ đau. Trong khi ấy đức Phật đã định nghĩa, xả bỏ là một điều kiện quyết định để xa lìa dukkha – những trạng thái không ưng ý và nỗi khổ đau của sinh tử luân hồi. Chúng ta nên biết, xả bỏ chắc chắn không phải để trừ bỏ hạnh phúc mà để trừ bỏ khổ đau và những nguyên nhân của nó.
Bởi vì tâm trí chúng ta bị đám mây si mê che mờ, thường chúng ta không nhận thức rõ khổ đau và nguyên nhân của nó. Biện pháp cần thiết là phải lưu ý sự vật thực sự là như thế nào. Trong kinh Vipallasa (Điên đảo), đức Phật giảng bốn cách hiểu sai cơ bản của chúng ta về kinh nghiệm – được biết đến như là bốn điên đảo bởi vì sự vật bị chấp thủ theo đường hướng trái ngược với cái mà chúng thực sự là.
Cái vô thường cho là thường
Mặc dù về phương diện lý trí chúng ta biết rằng thân thể chúng ta đang già đi từng giây phút, thế nhưng cảm nghĩ trong sâu thẳm của chúng ta là thân thể này sẽ kéo dài mãi mãi và cái chết sẽ không đến thực sự với chúng ta, ít nhất cũng không phải vào một thời điểm nào đó quá sớm. Tương tự như vậy, chúng ta xem quan hệ họ hàng thân thích như là cố định, và khi một người thân chết, chúng ta bỡ ngỡ và hụt hẫng. Chúng ta đã muốn sống với họ mãi mãi và đã bám chặt vào hy vọng chúng ta sẽ được như thế.
Chúng ta có thể học để đối mặt với sự vô thường một cách khéo léo, nhưng điều ấy xảy ra chỉ khi mà chúng ta nhận ra định kiến sai lầm về sự thường còn và ý thức được bản chất mong manh của con người và vạn vật.
Tin rằng cái khổ mang đến hạnh phúc / cái khổ cho là lạc
Những gì mang đến cho ta niềm vui đồng thời cũng mang đến cho ta những trắc trở: người bạn đời yêu quý bỏ ta đi, đứa con cưng nổi loạn, sự thăng tiến nâng cao địa vị của ta có nghĩa rằng chúng ta phải làm việc tăng giờ. Niềm hoan lạc trong chốn sanh tử luân hồi không ngớt bỏ rơi ta, nhưng chúng ta cứ mơ mộng trở lại, nghĩ rằng chuyến này niềm vui sẽ lâu dài mãi mãi.
Nhờ ý thức được cái điên đảo thứ hai này, chúng ta nhận ra rằng hầu hết những gì mà xã hội đã dạy chúng ta về hạnh phúc hoàn toàn không đúng. Chúng ta phải tìm cầu hạnh phúc lâu dài thông qua việc trừ bỏ những nguyên nhân thực sự của những xúc cảm mang lại khổ đau phiền muộn và những hành động (nghiệp) được thúc đẩy bởi chúng.
Cái không dễ thương mà cho là dễ thương, bất tịnh cho là tịnh
Thân tướng đẹp đẽ là một trong những sự bám víu gay cấn nhất của chúng ta. Nhưng nếu thân thể này đáng yêu như vậy, tại sao chúng ta cứ mải nỗ lực thay đổi nó? “Giữ cho thân thể trẻ đẹp” là một thương vụ chính ở trên đất nước này. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đã hòa hợp bản thân với thực tại, điều hòa thân thể chúng ta với những gì đang diễn ra? Chúng ta đang già nua. Chúng ta có thể làm gì để hài lòng với da mồi tóc bạc, niềm đam mê nhục dục cạn khô, và những thớ thịt đường gân chùng xuống? Già nua không gây ra đau khổ, chính quan niệm sai lệch của chúng ta tạo ra khổ đau.
Tham đắm vào những vật không có tự ngã, vô ngã cho là ngã
Quan niệm điên đảo tai hại nhất là cho rằng có một cái ngã trong thân và tâm này. Chúng ta nghĩ và cảm thấy có một cái “tôi” chân thật ở đây, và rằng ta là cái “tôi” quan trọng nhất trên thế gian này. Chúng ta dựng nên hình ảnh của một con người và rồi ám ảnh sống sao cho phù hợp với cái đã được dựng nên ấy. Chúng ta cố ép mình trở thành người mà chúng ta nghĩ chúng ta là. Thế nhưng, thậm chí dù ở một mức độ nông cạn nhất, nhiều ý tưởng của chúng ta về tự thân cũng không đúng: Chúng ta vốn không xấu, đẹp, tài giỏi, yếu kém, siêng, nhác, ngu dốt, hay bất kỳ một đặc tính tốt xấu nào do chúng ta gán ghép cho bản thân.
Chúng ta không chỉ tin rằng có một cái “tôi” chân thật, hằng hữu làm chủ thân, tâm, và cuộc sống của chúng ta; mà còn tin rằng mọi người và vật có một bản chất có thể thủ đắc nào đó nữa. Chúng ta cho rằng vạn vật tồn tại theo cách chúng biểu hiện ra bên ngoài. Vì thế chúng ta tin rằng một người nào đó hiện ra trong mắt chúng ta là một kẻ thù thì họ vốn đáng khinh thị và nguy hại. Chúng ta đấu tranh để bảo vệ tài sản của chúng ta như là “cái của tôi”. Chính sự vô minh gán ghép một bản chất chắc thật và không biến đổi cho những hiện tượng vô ngã và biến đổi, rồi một loạt những tâm lý ưu phiền khởi lên, và chúng ta khuất phục trước sự thống trị của lòng tham, nỗi khiếp sợ, sự chống đối, căng thẳng, oán hận, sự kiêu căng, và bê trễ.
Nhờ ý thức được sự đối lập của bốn điên đảo – vô thường, khổ, tịnh, và vô ngã – chúng ta nhận thấy rõ ràng được vấn đề, nguyên nhân của bốn điên đảo, và một ước muốn mạnh mẽ muốn thoát ra khỏi chúng khởi lên. Đấy chính là xả bỏ.
Sự chánh niệm này mang lại cho chúng ta lòng can đảm và khả năng để đối mặt những lề thói xoay quanh bản ngã. Nhìn lại xung quanh, chúng ta thấy rằng tất cả các loài chúng sanh đều giống như chúng ta cùng mong muốn được hạnh phúc và thoát khỏi đau khổ, từ đó khởi lên tấm lòng vị tha muốn làm lợi ích cho tất cả. Nhận thức được ích lợi của hành động làm vui kẻ khác sẽ mở rộng trái tim chúng ta cho tình yêu chân thật và tấm lòng từ bi. Mối liên hệ mật thiết với những người khác khơi dậy ý định xóa đi những mây mờ trong tâm chúng ta và phát triển khả năng của chúng ta đến vô hạn sao cho có thể mang lại lợi ích nhiều nhất cho hết thảy. Đấy là cách thức chánh niệm đưa đến giải thoát.

Không có nhận xét nào: