Kinh điển Phật giáo giai đoạn đầu (hệ kinh Nikāya) ghi lại rằng, sau khi chứng ngộ đạo quả Niết bàn và giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, trở thành bậc ChánhĐẳng Giác, ban đầu đức Phật cảm thấy ngần ngại khi nghĩ đến việc tuyên giảng cho loài người Pháp mà Ngài đã thể chứng (Kinh Trung Bộ - Kinh Thánh Cầu). Đức Thế Tôn ngại rằng Pháp của Ngài quá thâm sâu, những hạng người “đang mải đắm chìm trong tục lụy” khó có thể hiểu được; và sự chứng ngộ ấy vượt lên trên khả năng lãnh hội của họ. Ngài nói:
“Chúng sinh này thì ưa thích những cái được ấp ủ, thích thú với cái được ấp ủ, cho nên Sự Thực này là khó hiểu. Đó là sự sinh khởi do quan hệ y duyên.”(*) (Ariyapariyesanā-sutta, M.i. 167, ālayārāmā kho panāyaṃ pajā ālayaratāya ālaya-sammuditāya duddasaṃ idaṃ ṭhānaṃ yadidaṃ idappaccayatā paṭiccasamuppādo.)(Tuệ Sỹ, Huyền Thoại Duy Ma Cật, NXB Phương Đông, tr 55).
Lúc ấy, Phạm Thiên biết được ý nghĩ ấy nên rất lo lắng, ông ta sợ thế giới “sẽ bị hủy diệt” nếu đức Phật đi vào Niết bàn mà không tuyên giảng đạo giải thoát. Ông liền xuống trần và hiện ra trước đức Phật, thỉnh cầu Ngài hãy vì những chúng sinh đang đau khổ mà ở lại đời để tuyên giảng giáo lý Ngài đã giác ngộ:
“Như người đứng trên đỉnh núi cao
Có thể nhìn khắp những người xung quanh.
Đấng Giác Ngộ, Bậc Biến Tri, cũng như thế,
Ngài hãy ngự lên Pháp Đường.
Đấng Vô Phiền hãy nhìn loài người đây
Đắm chìm trong sầu não, bị sinh già chế ngự.
Hãy đứng lên hỡi vị anh hùng chiến thắng, người dẫn đầu đoàn lữ hành
Bậc hết mọi nợ nần, hãy đi khắp thế gian
Nguyện đức Thế Tôn tuyên giảng Chánh Pháp
Sẽ có những chúng sanh hiểu được.”
(Ariyapariyesanā sutta – Kinh Thánh Cầu)
Sau những lời thỉnh cầu thiết tha của Phạm Thiên, đức Phật đã dùng Phật nhãn quán sát thế gian và thấy rằng chúng sinh thật sự có nhiều thiên hướng khác nhau. Như hoa sen trong đầm, có những nụ vươn lên khỏi mặt nước tỏa hương thơm ngát, có những nụ còn chìm ngập trong nước chờ ngày vươn lên, nhưng cũng có những nụ chết lịm trong nước không thể vươn lên được; các loài chúng sinh cũng vậy, “có kẻ nhiễm ít bụi trần, có kẻ nhiễm nhiều bụi trần, có kẻ lợi căn, và cũng có kẻ độn căn … có kẻ dễ dạy, nhưng cũng có kẻ khó dạy”. Sau khi quán sát như vậy, với tâm Đại Bi, đức Phật quyết định ở lại đời tuyên giảng Chánh Pháp.
“Cửa bất tử rộng mở,
Cho những ai chịu nghe.”
Bỏ qua những ngụ ý mang tính thần thoại, tất cả mọi truyền thống Phật giáo đều chấp nhận tính lịch sử của câu chuyện này. Nghĩa là, họ cho rằng đức Phật đã giác ngộ dưới gốc Bồ đề tại Gaya, nơi đó gọi là Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgayā); ban đầu Ngài không muốn truyền dạy những điều Ngài đã giác ngộ, nhưng sau nhiều tuần trầm tư, Ngài đã quyết định truyền dạy Chánh Pháp của Ngài cho thế gian. Tuy nhiên, khi đã quyết định như vậy, đức Phật phải nghĩ đến việc làm thế nào để cho Giáo pháp của Ngài thích hợp với căn cơ của chúng sanh, tức là Pháp được nói ra phải phù hợp với trình độ của người nghe dù đó là hạng chúng sanh nào, lợi căn hay độn căn. Ngài đã giải quyết vấn đề này bằng phương pháp gọi là Phương tiện thiện xảo (Skt: upāya-kauśalya, Pali: upāya-kusala). Bởi vì cảnh giới chứng ngộ của đức Phật vượt lên trên mọi tư duy và diễn đạt bằng ngôn ngữ, cho nên Ngài nói rằng giáo pháp của Ngài chỉ như “ngón tay chỉ mặt trăng”, đó chỉ là sự chỉ bày hữu ích cho sự thể nhập Sự Thật chứ bản thân nó không phải là Sự Thật. Điều đó có nghĩa rằng, Pháp chỉ có tính tùy thời chứ không phải là những giáo điều cố định. Hơn nữa, là một “phương tiện” mang tính quyền xảo đưa đến mục đích cứu cánh, giáo pháp này có tính cách năng động và tùy hoàn cảnh. Lập trường triết lý mang tính thực dụng này đem lại cho đức Phật một sự linh động rất lớn - nghĩa là Ngài có thể tùy lúc mà điều chỉnh giáo pháp sao cho thích ứng với trình độ của thính chúng. Đây thực sự là một yếu tố hết sức quan trọng cần được để ý đến mỗi khi tìm hiểu nội hàm giáo pháp của đức Phật.
Ở mức độ căn bản, “phương tiện thiện xảo” xuất hiện trong kinh điển Phật giáo nguyên thủy như một hình thức “giảng giải tiệm tiến” (Hán: thứ đệ thuyết pháp, Pali: anupubbi-kathā) về pháp. Khi giảng pháp cho những đệ tử có khả năng lãnh hội cao, đức Phật giảng giải trực tiếp những phạm trù giáo lý uyên áo. Chẳng hạn như trong bài Kinh Chuyển Pháp Luân (thuộc Tương ưng bộ kinh), ngay từ đầu, đức Thế Tôn đã chỉ thẳng cho năm anh em tôn giả Kiều Trần Như một sự bóc trần không khoan nhượng về Thánh đế thứ nhất - Khổ đế. Theo đó cuộc sống được phơi bày ra thành những nỗi khổ đáng nhàm chán một cách không né tránh: “Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán tắng gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ”.
Tuy nhiên, đối với những người mới đến với đạo, Ngài chỉ giảng những bài pháp đơn giản dễ hiểu về giới hạnh chung chung, sau đó mới tiến lên những giáo lý cao hơn. Tiến trình này được minh họa rõ ràng trong bài kinh dạy cho Upāli như sau:
“Rồi Thế Tôn thuận thứ thuyết pháp cho gia chủ Upāli , tức là thuyết về bố thí, thuyết về giới, thuyết về các cõi trời, trình bày sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô các dục lạc, những lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết gia chủ Upāli tâm đã sẵn sàng, tâm đã nhu thuận, tâm không triền cái, tâm được phấn khởi, tâm được hoan hỷ, Ngài mới thuyết những pháp được chư Phật tán dương đề cao: Khổ, Tập, Diệt, Ðạo.” (Kinh Trung bộ, kinh Ưu Ba Ly, HT Minh Châu dịch).
Ở mức độ cao hơn, “phương tiện thiện xảo” mang những hình thái mà trong những hoàn cảnh khác có thể bị xem là trái ngược, hoặc thậm chí là ngoại đạo. Như trong kinh Tevijja (Tam minh) thuộc Trường Bộ Kinh, hai thanh niên Bà-la-môn Vāsettha và Bhāradvāja tranh cãi không quyết được “con đường dẫn đến cọng trú với Phạm Thiên” do vị đạo sư Bà-la-môn nào dạy là đúng. Vì nghe đức Phật có trí tuệ siêu việt nên họ tìm đến nhờ Ngài phân giải. Ở đây, đức Phật không phủ nhận Phạm Thiên cũng như không phủ nhận mục đích cọng trú với Phạm Thiên, Ngài chỉ dùng cách hỏi và đáp để phủ nhận con đường mà các vị đạo sư Bà-la-môn ấy đã chỉ dạy, bởi vì thực ra những vị đạo sư ấy không có khả năng đó, họ chỉ là những người tuy thông hiểu ba bộ Vệ đà nhưng tâm vẫn còn lặn hụp trong vũng lầy ái dục, bị năm triền cái trói buộc. Chính bản thân họ không biết Phạm Thiên ở đâu và con đường nào dẫn đến cọng trú với Phạm Thiên. Sau khi phân biệt sự sai lầm của những đạo sư Bà-la-môn kể trên, dựa trên phạm vi nhận thức của hai thanh niên Bà-la-môn này, đức Phật nói rằng: “Ta biết Phạm thiên, Phạm thiên giới và con đường đưa đến Phạm thiên giới.”
Hai thanh niên Bà-la-môn sau khi bị đức Phật chinh phục đã thỉnh cầu Ngài dạy về con đường “cọng trú với Phạm Thiên”. Để hướng hai người thanh niên này đến lối sống tốt đẹp và đúng đắn, đức Phật đã khéo léo lồng lối sống phạm hạnh của Ngài vào “con đường dẫn đến cọng trú với Phạm Thiên”, đặc biệt sự tu tập tứ vô lượng tâm hay Phạm trú (brahma-vihara): từ - bi - hỷ - xả. Đức Phật xác nhận với họ rằng đó mới chính là “con đường đưa đến cọng trú với Phạm Thiên” chân chính, con đường này cũng chính là cửa ngõ đi vào Niết bàn giải thoát. Hai thanh niên Bà-la-môn rất hoan hỷ với giáo lý được trình bày rõ ràng ấy, và tán thán giáo lý có khả năng diễn bày của đức Thế Tôn như sau:
“Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày.”
Cũng tương tự như thế, chúng ta biết rằng đức Phật phủ nhận dứt khoát bất kỳ một ý niệm nào về cái ngã trường cửu, Ngài dạy rằng con người do năm uẩn - sắc, thọ, tưởng, hành, thức - kết hợp tạo thành. Tuy vậy, khi đàm luận với một vị Bà-la-môn theo phái Thuận Thế (Pali: Carvaka, Sanskrit: Cārvāka) - một trường phái chủ trương “Không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có tế tự, không có quả dị thục các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời khác, không có mẹ, không có cha, không có các loài hóa sanh. … Con người này do bốn đại hợp thành, khi mệnh chung, địa đại trở về trả lại cho địa giới; thủy đại trở về trả lại cho thủy giới; hỏa đại trở về trả lại cho hỏa giới; phong đại trở về trả lại cho phong giới; các căn nhập vào hư không” - đức Phật nhận thấy cần phải sử dụng một phương pháp mạnh như vị đại phu cần một liều thuốc mạnh cho một bệnh nhân đang bệnh nặng. Để cho nhà duy vật này từ bỏ cực đoan đoạn kiến, Ngài tạm thời nói đến một cái ngã. Tuy ngã kiến cũng là một cực đoan, nhưng dù sao nó cũng khiến người ta biết đến trách nhiệm về hành vi của bản thân. Đức Phật thường dạy “thà rằng chấp có còn hơn chấp không” là vậy. Sau khi biết rằng vị Thuận Thế này đã từ bỏ cực đoan đoạn kiến rồi, đức Phật mới chỉ rõ ngã kiến cũng là một cực đoan cần phải tránh xa, và Ngài dạy về giáo lý ngũ uẩn - một con đường tránh xa cả hai cực đoan.
Hình thức “phương tiện thiện xảo” do đức Phật khởi xướng trong những kinh điển nguyên thủy được nói trên đây đã tạo nên một mô thức cho tất cả những phát triển sau này của Phật giáo. Đặc biệt sau này trong Phật giáo đại thừa, “phương tiện thiện xảo” (Skt: upāya-kauśalya) - cùng với trí tuệ bát nhã (prajñā) - trở thành phẩm chất đặc thù của một vị Bồ-tát, một “chúng sanh giác ngộ”. Vị chúng sanh giác ngộ này đợi tất cả mọi chúng sanh thành Phật rồi mới nhập Niết bàn. Phương tiện thiện xảo thật sự cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong sự truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ đến các nước khác, việc này đã xảy ra từ thế kỷ thứ nhất trước công nguyên. Nhờ việc kết hợp hài hòa những tín ngưỡng địa phương (như Nho, Lão …) vào trong sự “giáo hóa tiệm thứ”, những phái đoàn truyền giáo Phật giáo đã “hợp thức hóa” những tín ngưỡng này thành những “nấc thang sơ khởi” tiến đến Niết bàn, và vì thế dễ dàng nhận được sự quy hướng của mọi người.
Thích Thanh Hòa.
-----
Lúc ấy, Phạm Thiên biết được ý nghĩ ấy nên rất lo lắng, ông ta sợ thế giới “sẽ bị hủy diệt” nếu đức Phật đi vào Niết bàn mà không tuyên giảng đạo giải thoát. Ông liền xuống trần và hiện ra trước đức Phật, thỉnh cầu Ngài hãy vì những chúng sinh đang đau khổ mà ở lại đời để tuyên giảng giáo lý Ngài đã giác ngộ:
“Như người đứng trên đỉnh núi cao
Có thể nhìn khắp những người xung quanh.
Đấng Giác Ngộ, Bậc Biến Tri, cũng như thế,
Ngài hãy ngự lên Pháp Đường.
Đấng Vô Phiền hãy nhìn loài người đây
Đắm chìm trong sầu não, bị sinh già chế ngự.
Hãy đứng lên hỡi vị anh hùng chiến thắng, người dẫn đầu đoàn lữ hành
Bậc hết mọi nợ nần, hãy đi khắp thế gian
Nguyện đức Thế Tôn tuyên giảng Chánh Pháp
Sẽ có những chúng sanh hiểu được.”
(Ariyapariyesanā sutta – Kinh Thánh Cầu)
Sau những lời thỉnh cầu thiết tha của Phạm Thiên, đức Phật đã dùng Phật nhãn quán sát thế gian và thấy rằng chúng sinh thật sự có nhiều thiên hướng khác nhau. Như hoa sen trong đầm, có những nụ vươn lên khỏi mặt nước tỏa hương thơm ngát, có những nụ còn chìm ngập trong nước chờ ngày vươn lên, nhưng cũng có những nụ chết lịm trong nước không thể vươn lên được; các loài chúng sinh cũng vậy, “có kẻ nhiễm ít bụi trần, có kẻ nhiễm nhiều bụi trần, có kẻ lợi căn, và cũng có kẻ độn căn … có kẻ dễ dạy, nhưng cũng có kẻ khó dạy”. Sau khi quán sát như vậy, với tâm Đại Bi, đức Phật quyết định ở lại đời tuyên giảng Chánh Pháp.
“Cửa bất tử rộng mở,
Cho những ai chịu nghe.”
Bỏ qua những ngụ ý mang tính thần thoại, tất cả mọi truyền thống Phật giáo đều chấp nhận tính lịch sử của câu chuyện này. Nghĩa là, họ cho rằng đức Phật đã giác ngộ dưới gốc Bồ đề tại Gaya, nơi đó gọi là Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgayā); ban đầu Ngài không muốn truyền dạy những điều Ngài đã giác ngộ, nhưng sau nhiều tuần trầm tư, Ngài đã quyết định truyền dạy Chánh Pháp của Ngài cho thế gian. Tuy nhiên, khi đã quyết định như vậy, đức Phật phải nghĩ đến việc làm thế nào để cho Giáo pháp của Ngài thích hợp với căn cơ của chúng sanh, tức là Pháp được nói ra phải phù hợp với trình độ của người nghe dù đó là hạng chúng sanh nào, lợi căn hay độn căn. Ngài đã giải quyết vấn đề này bằng phương pháp gọi là Phương tiện thiện xảo (Skt: upāya-kauśalya, Pali: upāya-kusala). Bởi vì cảnh giới chứng ngộ của đức Phật vượt lên trên mọi tư duy và diễn đạt bằng ngôn ngữ, cho nên Ngài nói rằng giáo pháp của Ngài chỉ như “ngón tay chỉ mặt trăng”, đó chỉ là sự chỉ bày hữu ích cho sự thể nhập Sự Thật chứ bản thân nó không phải là Sự Thật. Điều đó có nghĩa rằng, Pháp chỉ có tính tùy thời chứ không phải là những giáo điều cố định. Hơn nữa, là một “phương tiện” mang tính quyền xảo đưa đến mục đích cứu cánh, giáo pháp này có tính cách năng động và tùy hoàn cảnh. Lập trường triết lý mang tính thực dụng này đem lại cho đức Phật một sự linh động rất lớn - nghĩa là Ngài có thể tùy lúc mà điều chỉnh giáo pháp sao cho thích ứng với trình độ của thính chúng. Đây thực sự là một yếu tố hết sức quan trọng cần được để ý đến mỗi khi tìm hiểu nội hàm giáo pháp của đức Phật.
Ở mức độ căn bản, “phương tiện thiện xảo” xuất hiện trong kinh điển Phật giáo nguyên thủy như một hình thức “giảng giải tiệm tiến” (Hán: thứ đệ thuyết pháp, Pali: anupubbi-kathā) về pháp. Khi giảng pháp cho những đệ tử có khả năng lãnh hội cao, đức Phật giảng giải trực tiếp những phạm trù giáo lý uyên áo. Chẳng hạn như trong bài Kinh Chuyển Pháp Luân (thuộc Tương ưng bộ kinh), ngay từ đầu, đức Thế Tôn đã chỉ thẳng cho năm anh em tôn giả Kiều Trần Như một sự bóc trần không khoan nhượng về Thánh đế thứ nhất - Khổ đế. Theo đó cuộc sống được phơi bày ra thành những nỗi khổ đáng nhàm chán một cách không né tránh: “Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán tắng gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ”.
Tuy nhiên, đối với những người mới đến với đạo, Ngài chỉ giảng những bài pháp đơn giản dễ hiểu về giới hạnh chung chung, sau đó mới tiến lên những giáo lý cao hơn. Tiến trình này được minh họa rõ ràng trong bài kinh dạy cho Upāli như sau:
“Rồi Thế Tôn thuận thứ thuyết pháp cho gia chủ Upāli , tức là thuyết về bố thí, thuyết về giới, thuyết về các cõi trời, trình bày sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô các dục lạc, những lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết gia chủ Upāli tâm đã sẵn sàng, tâm đã nhu thuận, tâm không triền cái, tâm được phấn khởi, tâm được hoan hỷ, Ngài mới thuyết những pháp được chư Phật tán dương đề cao: Khổ, Tập, Diệt, Ðạo.” (Kinh Trung bộ, kinh Ưu Ba Ly, HT Minh Châu dịch).
Ở mức độ cao hơn, “phương tiện thiện xảo” mang những hình thái mà trong những hoàn cảnh khác có thể bị xem là trái ngược, hoặc thậm chí là ngoại đạo. Như trong kinh Tevijja (Tam minh) thuộc Trường Bộ Kinh, hai thanh niên Bà-la-môn Vāsettha và Bhāradvāja tranh cãi không quyết được “con đường dẫn đến cọng trú với Phạm Thiên” do vị đạo sư Bà-la-môn nào dạy là đúng. Vì nghe đức Phật có trí tuệ siêu việt nên họ tìm đến nhờ Ngài phân giải. Ở đây, đức Phật không phủ nhận Phạm Thiên cũng như không phủ nhận mục đích cọng trú với Phạm Thiên, Ngài chỉ dùng cách hỏi và đáp để phủ nhận con đường mà các vị đạo sư Bà-la-môn ấy đã chỉ dạy, bởi vì thực ra những vị đạo sư ấy không có khả năng đó, họ chỉ là những người tuy thông hiểu ba bộ Vệ đà nhưng tâm vẫn còn lặn hụp trong vũng lầy ái dục, bị năm triền cái trói buộc. Chính bản thân họ không biết Phạm Thiên ở đâu và con đường nào dẫn đến cọng trú với Phạm Thiên. Sau khi phân biệt sự sai lầm của những đạo sư Bà-la-môn kể trên, dựa trên phạm vi nhận thức của hai thanh niên Bà-la-môn này, đức Phật nói rằng: “Ta biết Phạm thiên, Phạm thiên giới và con đường đưa đến Phạm thiên giới.”
Hai thanh niên Bà-la-môn sau khi bị đức Phật chinh phục đã thỉnh cầu Ngài dạy về con đường “cọng trú với Phạm Thiên”. Để hướng hai người thanh niên này đến lối sống tốt đẹp và đúng đắn, đức Phật đã khéo léo lồng lối sống phạm hạnh của Ngài vào “con đường dẫn đến cọng trú với Phạm Thiên”, đặc biệt sự tu tập tứ vô lượng tâm hay Phạm trú (brahma-vihara): từ - bi - hỷ - xả. Đức Phật xác nhận với họ rằng đó mới chính là “con đường đưa đến cọng trú với Phạm Thiên” chân chính, con đường này cũng chính là cửa ngõ đi vào Niết bàn giải thoát. Hai thanh niên Bà-la-môn rất hoan hỷ với giáo lý được trình bày rõ ràng ấy, và tán thán giáo lý có khả năng diễn bày của đức Thế Tôn như sau:
“Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày.”
Cũng tương tự như thế, chúng ta biết rằng đức Phật phủ nhận dứt khoát bất kỳ một ý niệm nào về cái ngã trường cửu, Ngài dạy rằng con người do năm uẩn - sắc, thọ, tưởng, hành, thức - kết hợp tạo thành. Tuy vậy, khi đàm luận với một vị Bà-la-môn theo phái Thuận Thế (Pali: Carvaka, Sanskrit: Cārvāka) - một trường phái chủ trương “Không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có tế tự, không có quả dị thục các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời khác, không có mẹ, không có cha, không có các loài hóa sanh. … Con người này do bốn đại hợp thành, khi mệnh chung, địa đại trở về trả lại cho địa giới; thủy đại trở về trả lại cho thủy giới; hỏa đại trở về trả lại cho hỏa giới; phong đại trở về trả lại cho phong giới; các căn nhập vào hư không” - đức Phật nhận thấy cần phải sử dụng một phương pháp mạnh như vị đại phu cần một liều thuốc mạnh cho một bệnh nhân đang bệnh nặng. Để cho nhà duy vật này từ bỏ cực đoan đoạn kiến, Ngài tạm thời nói đến một cái ngã. Tuy ngã kiến cũng là một cực đoan, nhưng dù sao nó cũng khiến người ta biết đến trách nhiệm về hành vi của bản thân. Đức Phật thường dạy “thà rằng chấp có còn hơn chấp không” là vậy. Sau khi biết rằng vị Thuận Thế này đã từ bỏ cực đoan đoạn kiến rồi, đức Phật mới chỉ rõ ngã kiến cũng là một cực đoan cần phải tránh xa, và Ngài dạy về giáo lý ngũ uẩn - một con đường tránh xa cả hai cực đoan.
Hình thức “phương tiện thiện xảo” do đức Phật khởi xướng trong những kinh điển nguyên thủy được nói trên đây đã tạo nên một mô thức cho tất cả những phát triển sau này của Phật giáo. Đặc biệt sau này trong Phật giáo đại thừa, “phương tiện thiện xảo” (Skt: upāya-kauśalya) - cùng với trí tuệ bát nhã (prajñā) - trở thành phẩm chất đặc thù của một vị Bồ-tát, một “chúng sanh giác ngộ”. Vị chúng sanh giác ngộ này đợi tất cả mọi chúng sanh thành Phật rồi mới nhập Niết bàn. Phương tiện thiện xảo thật sự cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong sự truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ đến các nước khác, việc này đã xảy ra từ thế kỷ thứ nhất trước công nguyên. Nhờ việc kết hợp hài hòa những tín ngưỡng địa phương (như Nho, Lão …) vào trong sự “giáo hóa tiệm thứ”, những phái đoàn truyền giáo Phật giáo đã “hợp thức hóa” những tín ngưỡng này thành những “nấc thang sơ khởi” tiến đến Niết bàn, và vì thế dễ dàng nhận được sự quy hướng của mọi người.
Thích Thanh Hòa.
-----
(*) Đoạn kinh tương dương do HT Minh Châu dịch: "Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Ðối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý Idapaccāyata Paticcasamuppada (Y Tánh Duyên Khởi Pháp); sự kiện này thật khó thấy; tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự trừ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn.” (Trung Bộ, Kinh Thánh cầu).
Ở đây có từ ālaya là một từ phức tạp, bản tiếng Anh của Bhikku Bodhi dịch là Worldliness, tiếng Hán dịch là quật, trạch, tàng, y xứ; TT Tuệ Sỹ dịch là “cái được ấp ủ”, trong khi HT Minh Châu dịch là “ái dục”. Từ ālaya này, theo Bhikku Bodhi là một từ Pali cổ, khó tìm được từ tương đương trong Anh ngữ cũng như Hán ngữ. Pháp sư Ấn Thuận hiểu từ này là nơi cư trú (quật trạch) trong Tam giới khi dịch: “The Buddha felt the Dharma too profound to understand and reluctant to teach the Dharma, the problem was that “The sentient beings indulge in pleasure of the Three Realms Habitat - 眾生樂著三界窟宅” (đức Phật nhận thấy Pháp quá sâu khó hiểu và không muốn tuyên thuyết Pháp ấy, cái khó khăn chính là “chúng sanh tham đắm nơi cư trú trong Tam giới”).
Ở đây có từ ālaya là một từ phức tạp, bản tiếng Anh của Bhikku Bodhi dịch là Worldliness, tiếng Hán dịch là quật, trạch, tàng, y xứ; TT Tuệ Sỹ dịch là “cái được ấp ủ”, trong khi HT Minh Châu dịch là “ái dục”. Từ ālaya này, theo Bhikku Bodhi là một từ Pali cổ, khó tìm được từ tương đương trong Anh ngữ cũng như Hán ngữ. Pháp sư Ấn Thuận hiểu từ này là nơi cư trú (quật trạch) trong Tam giới khi dịch: “The Buddha felt the Dharma too profound to understand and reluctant to teach the Dharma, the problem was that “The sentient beings indulge in pleasure of the Three Realms Habitat - 眾生樂著三界窟宅” (đức Phật nhận thấy Pháp quá sâu khó hiểu và không muốn tuyên thuyết Pháp ấy, cái khó khăn chính là “chúng sanh tham đắm nơi cư trú trong Tam giới”).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét