Chủ Nhật, tháng 5 31, 2009

KIM CANG TỨ TƯỚNG: Nơi tâm Không mở bày cõi Diệu Hữu


Phật Giáo nói đến cái Không không phải để thu mình trong tư thái tiêu cực mà chính là để mở ra chân trời hoạt dụng của cái Diệu Hữu, để Bồ-tát đi lại trong sáu nẻo luân hồi thực hiện sự nghiệp độ sinh. Trung Luận nói: “Nhất thiết pháp không”, lại nói: “Dĩ hữu không nghĩa cố, nhất thiết pháp đắc thành.”[1] Nhất thiết pháp không là hết thảy các pháp vốn không có tự tánh. Chính bởi các pháp vốn không có tự tánh nên mới có sự chuyển y, mới có niết bàn—nhất thiết pháp đắc thành.

Kinh Kim Cang như lưỡi tầm sét của trời Đế Thích giáng xuống quan niệm hữu ngã, đập vỡ thế giới ngã ái, ngã dục, hiển bày thế giới phi hữu, vô trụ. Thế giới được nhìn dưới nhận thức vô ngã là quan điểm chủ đạo của Kinh Kim Cang. Vô ngã luận hay tâm không là nơi Bồ-tát trụ tâm, là điểm để từ đó Bồ-tát phóng chiếu thành con đường vạn hạnh. Thực hành vạn hạnh với tâm vô trụ là diễn bày cõi Diệu Hữu qua con đường Bồ-tát hàng phục tâm. Nhưng vì, ngã chấp là kiến chấp cố hữu nhất của chúng sinh, đặc biệt đối với người Ấn Độ, quan niệm về tự ngã được phân chiết một cách sâu xa, cho nên Kinh Kim Cang đưa ra bốn khái niệm về tự ngã gọi là tứ tướng—ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng—và phủ định chúng một cách triệt để. Triệt phá ngã chấp chính là để hiển bày cái không-tự-tánh vốn có của vạn hữu.

Kinh văn nói: 

Bồ tát thì phải sửa chữa tâm mình bằng tuệ giác này: Bao nhiêu chúng sinh hoặc sinh bằng trứng, hoặc sinh bằng thai, sinh bằng ẩm thấp, sinh bằng biến hóa, hoặc có hình sắc hoặc không hình sắc, hoặc có tư tưởng, hoặc không tư tưởng, có không tư tưởng, ta làm hết thảy đều được nhập vào niết bàn hoàn toàn mà giải thoát cả. Làm cho vô lượng vô số chúng sinh niết bàn như vậy, mà thật không thấy có chúng sinh nào được niết bàn cả. Tại sao như vậy? Trưởng lão Thiện hiện, vì nếu Bồ tát mà vẫn còn có ý tưởng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả thì Bồ tát ấy không phải Bồ tát.”[2]

Nghĩa là, Bồ-tát hóa đạo giữa cuộc đời, muốn bước chân đến những cảnh giới siêu việt, phải diệt trừ bất kỳ ý tưởng chấp thủ nào về một chủ tể (ngã). Bốn tướng này—ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng—chỉ là bốn cách gọi khác nhau về ý tưởng hay quan niệm một chủ tể đang ẩn nấp dưới cái thân tứ đại thô phù của chúng ta. 

Tuy nhiên, trước khi đi vào tìm hiểu ‘tứ tướng’ đúng theo tinh thần của Kinh Kim Cang, chúng ta cũng cần lưu ý đến một hướng giải thích khác rất thịnh hành về tứ tướng. Đó là, dưới ảnh hưởng Trung Quốc tính, tứ tướng của Kinh Kim Cang được giải thích theo chiều hướng Đạo đức luận. Hướng giải thích này rất phổ biến đến nỗi Vô ngã luận của tứ tướng dường như bị lãng quên. Theo hướng Đạo đức luận, tứ tướng đại khái được giải thích như sau: Người mê ỷ có tiền tài, học vấn, dòng họ, coi thường hết thảy mọi người; đó gọi là ngã tướng. Tuy thực hành nhân nghĩa lễ trí tín, nhưng ý cao tự phụ, đó gọi là nhân tướng. Việc tốt quy về mình, việc xấu đẩy cho người, đó gọi là chúng sinh tướng. Đối cảnh phân biệt yêu ghét, đó là thọ giả tướng. Như vậy gọi là tứ tướng của hạng phàm phu. Người tu hành cũng có bốn tướng. Tâm giữ chặt năng - sở, coi thường chúng sinh, gọi là ngã tướng. Ỷ mình là người giữ giới, coi thường kẻ phá giới, đó là nhân tướng. Chán ghét cái khổ trong ba đường, nguyện sinh các cõi trời, đó là chúng sinh tướng. Lòng muốn sống lâu nên siêng tu phước nghiệp, chấp trước không bỏ, đó là thọ giả tướng.[3]

Xét kỹ, hướng giải thích đó đã đi quá xa khi đối chiếu lại từ nguyên từ Phạn bản. Nên nhớ, Kinh Kim Cangkhông phải là bản kinh hướng đến vấn đề luân lý hay đạo đức mà nó hướng đến con đường giải thoát, hướng đến những người sống u tịch trong thế giới A-lan-nhã (vô tránh) mà đại diện là ngài Tu-bồ-đề. Khái niệm ngã Kinh Kim Cang nói đến không phải là cái ngã tâm lý mà là cái ngã mang tính triết học. Nó là đối tượng suy ngẫm của những hành giả tịch cư. Tướng () trong tứ tướng không phải là hình dáng, tướng trạng mà nó được chuyển dịch từ chữ sajñā trong Phạn ngữ với ý nghĩa là khái niệm, ý tưởng. Các ngài Huyền Trang, Chân Đế, Nghĩa Tịnh, Cấp-đa đều dùng chữ tưởng () để dịch chữ này. Vì vậy, tứ tướng/tưởng cần phải được hiểu từ Phạn bản dưới giác độ vô ngã luận.

Ngã  tướng/tưởng (我相/), Phạn ngữ là ātma-sajñā, là ý tưởng/khái niệm về một thật ngã (ātman) tiềm ẩn dưới cái thân thô phù (sthūla śarīra). Đặc biệt trong thời kỳ Sâm lâm thư và Áo nghĩa thưātman được xem như sinh khí (prāā) và tồn tại không chỉ trong con người mà còn trong bất kỳ dạng sự sống nào. Vì thế, ātman được đồng nhất với Brahman, nó là cái ngã tiên nghiệm. Ātman trôi lăn trong luân hồi và chỉ đạt được sự giải thoát tối hậu (moka) một khi nó nhận ra nó chính là nó, là Brahman, từ vô thỉ đến nay: tat tvam asi / ngươi là cái đó!

Thọ giả tướng/tưởng (壽者相/), Phạn ngữ là jīva-sajñā, là ý tưởng/khái niệm về một linh hồn tồn tại nơi mỗi chúng ta. Jīva, Hán thường dịch là mạng căn, nghĩa đen là sự sống, cho nên ở đây nó được dịch là ‘thọ giả’. Đây là một khái niệm trừu tượng và phức tạp khác về cái tôi đang chế ngự trong mỗi chúng sinh. Jīva khác với ātman ở chỗ nó là cái ngã thật nghiệm, nó tạo nghiệp thiện ác, tạo thành nguyên nhân dẫn đến sự thăng trầm của chúng sinh trong luân hồi. Ātman là tiên nghiệm, là kẻ đứng nhìn quá trình jīva tạo nghiệp. Trong văn học Veda, ātman và jīva được ví như hai con chim gắn bó với nhau cùng sống trên một cây đầy trái, một con không ăn trái mà chỉ đứng nhìn con chim còn lại thưởng thức hương vị của trái trên cây. Con chim ăn trái đó chính là jīva.[4]

Theo Kỳ-na giáo (Jainism), vạn vật được tạo thành từ hai yếu tố linh hồn (jīva) và phi linh hồn (ajīva). Linh hồn vốn là toàn tri và hỷ lạc, nhưng do tiếp xúc với yếu tố phi linh hồn và tác động của nghiệp nên nó phải chịu sự trói buộc trong luân hồi.

Chúng sinh tướng/tưởng (衆生相/) là chuyển dịch từ sattva-sajñā trong Phạn ngữ. Sattva có các nghĩa như: hữu, hữu thể, tồn tại, sinh vật, linh hồn. Trong Hán tạng, nó thường được dịch là nhân, chúng sinh (các ngài như: Cưu ma la thập, Chân Đế, Nghĩa Tịnh), hữu tình (Huyền Trang). Sattva phái sinh từ động từ √as (là, tồn tại), nó gồm có satvà tiếp vĩ ngữ tva biểu thị tính chất trừu tượng, vì thế nó có nghĩa là sự tồn tại có tính trừu tượng.

Trong triết học Ấn Độ, sattva là một trong ba đức (gua) hay ba yếu tính của Tự tính (prakti)sattva – tamas – rajas, theo thứ tự chỉ cho: thuần khiết – năng động – ám độn, hoặc: hỷ – ưu – ám. Rộng hơn nữa, sattva chỉ cho tính hiện hữu chân thật, minh triết, xán lạn, hoan hỷ.

Trong Phật Giáo, sattva chỉ cho chúng sinh, hữu tình. Đó là hình ảnh một hiện thể tồn tại xuyên suốt trong ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Chính từ ý nghĩa này, sattva hàm chỉ một chủ thể luân hồi không ngừng trong lục đạo.

Tổng hợp những phân tích trên, ‘chúng sinh tưởng’ là ý tưởng hay khái niệm về một chủ thể bất biến trong sinh tử luân hồi. Đó chính là hiện thể đang là, là cái ngã mang tính bản năng nơi mỗi sinh thể.

Nhân tướng/tưởng (人相/) là dịch từ pudgala-sajñā trong Phạn ngữ, có nghĩa là ý tưởng/khái niệm về một thực thể được gọi là pudgalaPudgala có các nghĩa như: thân thể, vật chất, ngã, linh hồn, cá nhân.... Trong Hán tạng, nó được phiên âm là bổ-đặc-già-la (補特伽羅), và dịch nghĩa là nhân, sĩ phu, hữu tình, chúng sinh, ngã.... Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa định nghĩa bổ-đặc-già-la là “đi lại trong các nẻo luân hồi.”[5]

Đối với Kỳ-na giáo (Jainism), bổ-đặc-già-la là nhân tố vật chất và là một trong sáu thật thể (dravya) cấu tạo nên thế giới.

Trong Phật giáo, bổ-đặc-già-la là một khái niệm thuộc hữu ngã luận của phái Độc Tử Bộ (Vātsī-putrīya). Độc Tử Bộ quan niệm chúng sinh luân hồi, đời sau kế tiếp đời trước, cái duy trì sự kế thừa đó chính là bổ-đặc-già-la, là một chủ thể luân hồi. Bổ-đặc-già-la này, ở một khía cạnh nào đó, tương đương với khái niệm Ngã (ātman) trong Ấn giáo, chỉ có điều Ngã được cho là bất tử, còn bổ-đặc-già-la chỉ là cái ngã tạm thời, nó không bất tử như Ngã, bởi vì bổ-đặc-già-la chỉ tồn tại trong khi chúng sinh chịu luân hồi, khi giải thoát thì nó không còn nữa.[6] Xét đến điểm này, ta thấy bổ-đặc-già-la có mối liên hệ gần với khái niệm A-lại-da thức của phái Duy Thức. Luận Thành Duy Thức nói về thức A-lại-da như sau: “hằng chuyển như bạo lưu, A la hán vị xả.”[7] Nghĩa là ở địa vị phàm phu, thức A-lại-da hằng chuyển liên tục như một dòng thác từ đời này qua đời khác, cho đến khi hành giả chứng được Thánh quả A la hán thì nó mới mất. Lại nữa, bổ-đặc-già-la được cho là “phi tức phi ly uẩn ngã”, nghĩa là một cái ngã không phải uẩn cũng không phải không phải uẩn.[8] Thức A-lại-da thì được định nghĩa là “hằng chuyển”, nghĩa là không phải đồng, cũng không phải dị. Chính vì vậy, trong cuốn Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Kimura Taiken có nhận định: “Nếu đem nó đối chiếu với thuyết A-lại-da thức sau này, ta có thể nói Bổ-đặc-già-la là tư tưởng tiền phong của thuyết A-lại-da thức.[9]

Nói tóm lại, như ngài Tăng Triệu nhận định, nhân tướng là quan niệm chấp trước vào một chủ thể luân hồi trước sau không thay đổi.[10]

Như vậy, tứ tướng, dù mỗi khái niệm có chỗ khác nhau, nhưng chúng đều quy chiếu về một thực thể được quan niệm là bất biến và làm chủ tể đời sống của chúng sanh, thực thể đó chúng ta tạm gọi là Ngã. Kinh Kim Cang chỉ dẫn ra bốn tên gọi để phân biệt khái niệm ngã. Ngoài ra, một số kinh điển khác còn nêu ra nhiều tên gọi khác nữa. Chẳng hạn, kinh Lăng-già liệt kê bảy tên gọi khác nhau về ngã là ātmansattvajīva, jantu, poapurua, và pudgala mà hầu hết các bản dịch Hán cũng như Anh đều lược bỏ bớt khi dịch.[11] Trong khi đó, kinh Bát-nhã nói rằng tên gọi chỉ là tuy theo danh tự của thế gian mà thành lập và ghi nhận đến 16 biệt danh khác của ngã.[12]

Như Kinh nói, hành giả không được khởi lên bốn tư tưởng chấp thủ này, nếu khởi lên bốn tư tưởng chấp thủ này thì vị ấy không phải là bồ-tát phát thú đại thừa. Bởi vì bồ-tát mà còn dùng con mắt hữu ngã, nhị nguyên để hành đạo thì đạo ấy không phải là đạo rốt ráo vượt ra ngoài sự đối đãi. Về ý nghĩa chấp trước vào một chủ thể được gọi là ngã này, kinh Lăng-già cũng nói: “Đại Huệ! Lại có chúng sinh cầu chứng Niết Bàn, tự nói đã biết ngã, nhân, chúng sinh, dưỡng giả, thủ giả, cho đấy là Niết Bàn. … Đại Huệ! Những kẻ ấy không giải thoát, vì chưa thể thấy pháp vô ngã vậy.[13]

Kinh Kim Cang chú trọng ở chỗ vô tâm, ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm (không nên khởi lên tâm trụ trước vào bất cứ đâu).[14] Không những không khởi lên bốn tướng trên mà Bồ-tát còn cần phải không khởi lên bất kỳ tâm phân biệt nhị nguyên nào. Nếu khởi tâm phân biệt là Bồ-tát đang đứng trên quan điểm hữu ngã, là chướng ngại cái nhìn “hết thảy pháp vốn không” của thực tại. Bồ-tát không chấp trước vào ý niệm ngã, thể chứng tâm không, lìa bỏ tâm trụ trước, nhìn thế giới không phải là thế giới, thế nên thế giới mới thật là thế giới; độ thoát vô lượng chúng sinh, mà không thấy có chúng sanh nào được độ thoát. Đó cũng chính là ý nghĩa Diệu Hữu được tác thành từ Không, một đạo lý nền tảng cho con đường Bồ-tát vạn hạnh.

Phổ Đà, mùa An cư 2009

THÍCH THANH HÒA

Tham khảo:

 

 

Đại Thừa Nhập Lăng Già Kinh [大乘入楞伽經 ]. Hán Dịch bởi Pháp Sư Thật-xoa-nan-đà, Đại Chính 16, số 0672.

Kim Cương Bát-Nhã-Ba-La-Mật Kinh [金剛般若波羅蜜經]. Hán Dịch bởi Tam Tạng Cưu-ma-la-thập, Đại Chính 8, số 235.

Lăng-Già a-Bạt-Đa-La Bảo Kinh [楞伽阿跋多羅寶經]. Hán Dịch bởi Tam tạng Cầu-na-bạt-đa-la, Đại Chính 16, số 670.

Ma-Ha Bát-Nhã-Ba-La-Mật Kinh [摩訶般若波羅蜜經]. Hán Dịch bởi Cưu-ma-la-thập, Đại Chính 8, số 223.

Nhập Lăng Già Kinh [入楞伽經]. Hán Dịch bởi Tam tạng Bồ-đề-lưu-chi, Đại Chính 16, số 671.

The Oxford Dictionary of World Religions. Bowker, John. Oxford; New York: Oxford University Press, 1997.

Conze, Edward. Vajracchedikā Prajñāpāramitā: Edited and Translated with Introduction and Glossary. 2nd ed. Roma: Is. M.E.O, 1974.

Griffith, Ralph T. H. The Hymns of the igveda: Translated with a Popular Commentary [in English]. 2nd ed. 2 vols. Benares: E.J. Lazarus and Co., 1896-1897.

Hộ Pháp, Bồ Tát. Thành Duy Thức Luận [成唯識論]. Hán Dịch bởi Huyền Trang, Đại Chính 31, số 1585.

Huệ Lâm, Sa Môn. Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa [一切經音義]. Đại Chính 54, số 2128.

Kalupahana, David J. Mūlamadhyamakakārikā of Nāgārjuna: The Philosophy of the Middle Way. Delhi: Motilal Banarsidass, 1999.

Linh-Ba. Hoa Nghiêm Ngũ Giáo Chương Kiến Văn Sao [華嚴五教章見聞鈔]. Đại Chính 73, số 2342.

Long Thọ, Bồ tát. Đại Trí Độ Luận [大智度論]. Hán Dịch bởi Tam Tạng Cưu-ma-la-thập, Đại Chính 25, số 1509.

———. Trung Luận [中論]. Hán Dịch bởi Tam Tạng Cưu-ma-la-thập, Đại Chính 30, số 1564.

Nanjio, Bunyiu. The Lakāvatāra Sūtra. Kyoto: The Otani University Press, 1923.

Phổ Giác, Thiền sư. Kim Cang Kinh Giải Nghĩa [金剛經解義]. Đại Chính Tục Tạng 24, số 459.

Sakaki, Ryōzaburō. 飜譯名義大集 [Mahāvyutpatti]. 京都帝國大學文科大學叢書, 1962.

Suzuki, Daisetz Teitaro. The Lakāvatāra Sūtra: A Mahayana Text. Repr. ed. Boulder: Prajñā Press, 1978.

Taiken, Kimura. Tiểu Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận. Dịch bởi Thích Quảng Độ. Viện Đại Học Vạn Hạnh, 1969.

Tăng Triệu, Thích. Chú Duy Ma Cật Kinh [注維摩詰經]. Đại Chính 38, số 1775.

Thế Hữu, Bồ tát. Dị Bộ Tông Luân Luận [異部宗輪論]. Hán Dịch bởi Pháp sư Huyền Trang, Đại Chính 49, số 2031.

Trí Quang, Tỷ kheo. Kinh Kim Cương. 1987.



[1] Trung Lun, chương 24, tng 14: sarva ca yujyate tasya śūnyatā yasya yujyate / sarva na yujyate tasya śūnya yasya na yujyate // 以有空義故 一切法得成若無空義者 一切則不成 / mi th được thành tu khi cái không hin hu, không gì được thành tu khi cái không không hin hu (David J. Kalupahana, Mūlamadhyamakakārikā of Nāgārjuna: The Philosophy of the Middle Way (Delhi: Motilal Banarsidass, 1999), 337; B tát Long ThTrung Lun [中論], Tam Tng Cưu-ma-la-thp dch Hán, Đại 30, s 1564, 33a21-22).

[2] 諸菩薩摩訶薩應如是降伏其心。所有一切衆生之類。若卵生若胎生若濕生若化生。若有色若無色。若有想若無想。若非有想非無想。我皆令入無餘涅槃而滅度之。如是滅度無量無數無邊衆生。實無衆生得滅度者。何以故。須菩提。若菩薩有我相人相衆生相壽者相。即非菩薩。 (Kim Cương Bát-Nhã-Ba-La-Mt Kinh [金剛般若波羅蜜經], Tam Tng Cưu-ma-la-thp dch Hán, Đại 8, s 235, 749a05-11; T kheo Trí Quang, Kinh Kim Cương (1987), 129).

[3] Xem thêm Thin sư Ph Giác, Kim Cang Kinh Gii Nghĩa [金剛經解義], Đại Tc Tng 24, s 459, 519c.

[4] Xem thêm Ralph T. H. Griffith, The Hymns of the igveda: Translated with a Popular Commentary, 2nd ed. (Benares: E.J. Lazarus and Co., 1896-1897), vol. I, 222-3.

[5] Sác sác vãng lai chư thú dã / 數數往來諸趣也, hoc: sác sác ư tam gii trung vãng lai dã / 數數於三界中往來也. Xem Sa Môn HuLâm, Nht Thiết Kinh Âm Nghĩa [一切經音義], Đại 54, s 2128, 406b09; 617a22.

[6] John Bowker, The Oxford Dictionary of World Religions (1997), 774.

[7] B Tát H Pháp, Thành Duy Thc Lun [成唯識論], Huyn Trang dch Hán, Đại 31, s 1585, 7c19: 恒轉如瀑流阿羅漢位捨.

[8] D B Tông Luân Lun gii thích ‘phi tc phi ly un ngã’ như sau: 謂補特伽羅非即蘊離蘊。依蘊處界假施設名 / b-đặc-già-la không đồng nht cũng không d bit vi un là da trên un, x, gii mà gi lp tên gi. B-đặc-già-la là mt trong ba loi ngã chp thường thy. Chng hn, Hoa Nghiêm Ngũ Giáo Chương Kiến Văn Sao ghi: 我有三種。一即蘊我。即是凡夫我也。二離蘊我。是外道所計我也。三非即非離蘊我。即犢子部所計我也 / ngã có ba loi, th nht là ngã đồng nht vi un, tc ch ngã ca phàm phu; th hai là ngã d bit vi un, tc cái ngã ca ngođạo quan nim; th ba là ngã không đồng không d vi un, tc quan nim ngã caĐộc t b. Hay nhưThành Duy Thc Lunói: 又所執我復有三種。一者即蘊。二者離蘊。三者與蘊非即非離 / Li na, chp ngã có ba loi: mt là đồng nht vi un, hai là d bit vi un, ba là không đồng không d vi un. (B tát Thế Hu, D B Tông Luân Lun[異部宗輪論], Pháp sư Huyn Trang dch Hán, Đại 49, s 2031, 16c14-15; Linh-Ba, Hoa Nghiêm Ngũ Giáo Chương Kiến Văn Sao[華嚴五教章見聞鈔], Đại 73, s 2342, 102a10-13; H Pháp, Thành Duy Thc, 1c09-11).

[9] Kimura Taiken, Tiu Tha Pht Giáo Tư Tưởng Lun, Thích Qung Độ dch (ViĐại Hc Vn Hnh, 1969), 424.

[10] Ngài Tăng Triu nói: 始終不改謂之人。故外道以人名神 / trước sau không đổi gđó là nhân, cho nên ngođạo gi nhân là thn (Thích Tăng Triu, Chú Duy Ma Ct Kinh [注維摩詰經], Đại 38, s 1775, 346a26-7).

[11] Chng hn, trong các bn dch Lăng-già, ngài Cu-na-bt-đa-la dch có 6 tên: ngã, nhân, chúng sanh, th mng, trưởng dưỡng, và sĩ phu (衆生壽命長養士夫); ngài Tht Xoa Nan Đà dch ch có 5 tên: ngã, nhân, chúng sanh, dưỡng gi và th gi (眾生養者取者); ngài B Đề Lưu Chi dch là: ngã, nhân, chúng sanh, th gi, tác gi, th gi và trượng phu (眾生壽命作者受者丈夫). Suzuki dch là ego, being, vital principle, nourisher, supreme spirit, or personal soul hoc: ego, a being, a soul, a living being, a nourisher, or a spirit. (Bunyiu Nanjio, The Lakāvatāra Sūtra (Kyoto: The Otani University Press, 1923), 71; Lăng-Già a-Bt-Đa-La Bo Kinh [楞伽阿跋多羅寶經], Tam tng Cu-na-bt-đa-la dch Hán, Đại 16, s 670, 488b03-4; Đại Tha Nhp Lăng Già Kinh [大乘入楞伽經 ], Pháp Sư Tht-xoa-nan-đà dch Hán, Đại 16, s 0672, 597b10; Nhp Lăng Già Kinh[入楞伽經], Tam tng B-đề-lưu-chi dch Hán, Đại 16, s 671, 526c22; Daisetz Teitaro Suzuki, The Lakāvatāra Sūtra: A Mahayana Text, Repr. ed. (Boulder: Prajñā Press, 1978), 57 & 63).

[12] Bát-nhã ghi nhn 16 tên gi: ngã (), chúng sinh (衆生), th gi (壽者), mng gi (命者), sinh gi (生者), dưỡng dc gi (養育者), chúng s (衆數), nhân () , tác gi (作者), s tác gi (使作者), khi gi (起者), s khi gi (使起者), th gi (受者), s thgi (使受者), tri gi (知者), kiến gi (見者). Đối chiếu vi 16 danh t v ngã trong Danh NghĩĐại Tp như sau: ātma, sattva, jīva, jantu, poa, purua, pudgala, manuja, mānava, kāraka, krāpaka, vedaka, jānaka, paśyaka, utthāpaka, samutthāpaka. Xem Ma-Ha Bát-Nhã-Ba-La-Mt Kinh [摩訶般若波羅蜜經], Cưu-ma-la-thp dch Hán, Đại 8, s 223, 221c16-18; 230c11-13; B tát Long ThĐại Trí Độ Lun [大智度論], Tam Tng Cưu-ma-la-thp dch Hán, Đại 25, s 1509, 319b27-c13; Ryōzaburō Sakaki, 飜譯名義大集 [Mahāvyutpatti] (京都帝國大學文科大學叢書, 1962), 311-2.

[13] Đại Tha Nhp Lăng Già Kinh, 597b09-12: 大慧。復有衆生求證涅槃。言能覺知我人衆生養者取者此是涅槃。… 大慧。彼無解脱。以未能見法無我故。

[14] Kinh văn: tasmāt tarhi subhūte bodhisattvena mahāsattvenaivam apratiṣṭhitaṃ cittam utpādayitavyaṃ yan na kvacit-pratiṣṭhitaṃ cittam utpādayitavyaṃ, na rūpa-pratiṣṭhitaṃ cittam utpādayitavyaṃ na śabda-gandha-rasa-spraṣṭavya-dharma-pratiṣṭhitaṃ cittam utpādayitavyam / 是故須菩提。諸菩薩摩訶薩應如是生清淨心。不應住色生心。不應住聲香味觸法生心。應無所住而生其心。/ Vì vy, Tu-b-đề, v b tát đại s nên sinh tâm không tr trước. V y không sinh khi tâm tr vào bt c đâu. Không sinh tâm tr trước vào sc, không sinh tâm tr trước vào thanh, hương, v, xúc, và pháp. (Edward Conze, Vajracchedikā Prajñāpāramitā: Edited and Translated with Introduction and Glossary, 2nd ed. (Roma: Is. M.E.O, 1974), 35-6; Kim Cương Bát-Nhã-Ba-La-Mt Kinh, 749c20-23).

Không có nhận xét nào: