Chủ Nhật, tháng 5 09, 2010

Những món quà nhân ái

Thanh Hòa
Từ mấy ngày nay, chúng tôi tất bật chuẩn bị hàng hóa cho chuyến phát quà từ thiện. Điểm chúng tôi đến hôm nay (09/5/2010) là xã Dang thuộc huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, một xã miền núi thuộc dân tộc Cơ Tu, đầu nguồn của nhà máy thủy điện A Vương. Đó là một nơi mà điện thoại di động hiện lên 3 chữ cái: SOS.
Xã hội chúng ta ngày nay đã phát triển và trở nên giàu có, phần lớn chúng ta sống trong những thành phố tấp nập xe cộ, nhà cao tầng, nhà máy, siêu thị, đầy đủ tiện nghi. Thế nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những cộng đồng người sống cuộc đời lầm lũi. Địa danh của họ chỉ may mắn được mọi người biết đến qua những chuyến phát quà từ thiện, qua những thông tin về nghèo đói từ báo đài.

Thiết tưởng, xã hội văn minh, những tập đoàn tài chính kếch xù, những doanh nghiệp thịnh vượng, sau mỗi lần tổng kết doanh thu hãy dành một vài phút để nghĩ về những thân phận đang bị cái nghèo đói thống trị lên cả tâm hồn và thể xác.
Từ hơn 2500 năm trước Đức Phật đã có cái nhìn chia sẻ mà hơn bao giờ hết, trong thời đại toàn cầu hóa và liên kết tập đoàn ngày nay, chúng ta cần phải tâm niệm. Với sự nghiệp kinh doanh, Đức Phật dạy, lợi nhuận thu được cần phân chia thành 4 phần: 1 phần để trang trải cuộc sống, 1 phần tích lũy cho những lúc cần đến, 1 phần tái đầu tư, và 1 phần hết sức có ý nghĩa đó là bố thí cúng dường. Đó là một hình thức phân bố lại tài sản xã hội để giảm bớt sự chênh lệch giữa mọi người, để mọi người cùng có cơ hội hưởng được những nhu cầu cần thiết. Đồng thời, đó cũng là cơ hội cho mọi người gieo phước ngõ hầu đời sống ngày một thăng hoa.
Bạn có cảm động khi nghe em bé Cơ Tu (có đi học nên biết tiếng Việt) trả lời rằng mọi người phải dìu dắt nhau đi bộ hơn 3 tiếng đồng hồ mới đến được đây để nhận quà? Bạn nghĩ như thế nào khi nhà ở cho 93 học sinh nội trú chỉ giống như cái chuồng chim ở nhà quê (không phải của thành phố nhé)? Dưới cái nắng như lửa đốt, những đứa bé chưa đến tuổi đi học đang đứng tồng ngồng không quần áo để chờ nhận những món quà. Quà cho bé chỉ là cái bánh, hộp sữa, kẹo …. Có lần cho tiền và bánh, nó chỉ lấy bánh mà không muốn tiền, vì tiền cũng chả biết để làm gì!
Lần này đoàn chúng tôi, chư Tăng và Phật tử chùa Phổ Đà – Tp Đà Nẵng, đã chuẩn bị hơn 400 phần quà, mỗi phần quà gồm 10 kg gạo, 1 thùng mì, 1 áo lạnh cho mùa đông (bi giờ đang là mùa hè), 1 chiếc mũ tai bèo,  áo quần vừa cũ vừa mới (một biện pháp ý nghĩa cho hàng tồn kho), muối, nước mắm, dầu. Ngoài ra còn có cả bánh kẹo cho các em nhỏ.
Phát quà xong, chúng tôi đi thăm trường P.T.C.S Xã Dang và quý thầy cô (người Kinh) tình nguyện công tác ở đây. Khi thấy căn phòng của 93 em học sinh nội trú quá tồi tàn, nghe nói mỗi khi mưa thì nền nhà cuồn cuộn nước và bùn bazan, đoàn đã kịp thời quyên góp tại chỗ và qua điện thoại được 15 triệu đồng để giúp cho việc làm mới 2 cái sàn nhà và mua dép cho các em, vì hiện tại phần lớn học sinh vẫn chưa có dép mang. Hiện nay, toàn xã có 425 học sinh (cao nhất là lớp 9) theo học tại 6 điểm (tương đương với trường – trường nhỏ quá nên gọi là điểm), trường chúng tôi đến thăm là lớn nhất với số học sinh là 225 em. Nhìn những thầy cô giáo trẻ ở đây, chúng tôi băn khoăn không biết Bộ giáo Dục Và Đào Tạo có chế độ ưu đãi gì xứng đáng với công việc khó nhọc của họ ở đây hay không. Theo lời một cô giáo kể, họ phải đến từng nhà để vận động cho các em đi học chứ không phải cứ mở trường là có người đến đăng ký học đâu! Người Cơ Tu sống rải rác và không tiếp cạnh nền văn minh nên không có khái niệm học chữ. Bây giờ thì phần lớn các em nhỏ đã biết đọc, biết viết tiếng Việt rồi.
Một điều rất ấn tượng là mọi người ở đây rất hiền lành, không gây ồn ào cãi cọ như những vùng khác mà chúng tôi có dịp đến phát quà.
Chúng tôi phát quà dưới cái nắng chang chang và mong ước có thêm thật nhiều quà để chia sẻ đến với họ, những thân phận lầm lũi trong sự nghèo đói và mông muội.

Không có nhận xét nào: