Thiền Tổ Vô Ngôn Thông, khai sáng dòng thiền Tổ sư thứ hai tại Giao Châu vào đầu thế kỷ thứ IX. Ngài họ Trịnh, sinh quán tại Quảng Châu, Trung Quốc. Xuất gia tu học tại chùa Song Lâm, Vũ Châu, thường đi tham vấn khắp nơi về diệu nghĩa của Thiền. Một hôm, Ngài ở trong hội chúng của Thiền sư Bách Trượng, nghe câu đáp về con đường giác ngộ nhanh nhất của Đại thừa, Ngài hoát nhiên đại ngộ. Đó là câu thiền ngữ nổi tiếng mà ngày nay, những người học Thiền, không mấy ai không biết: “Tâm địa nhược thông, tuệ nhật tự chiếu”.
Câu thiền ngữ ấy xé toang màn vô minh hắc ám, trí tuệ bừng lên trong Ngài. Từ đó, Ngài tiếp cơ độ chúng, ngôn ngữ trầm mặc, nói ít hiểu nhiều, người đời gọi Ngài là Vô Ngôn Thông.
Ngài đến Giao Châu năm 820, trú tại chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, tiếp tăng độ chúng, mở rộng thiền cơ. Ngài thị tịch năm 826, đệ tử nối dòng là Cảm Thành Thiền Sư.
Trên là sơ lược tiểu sử của Tổ Vô Ngôn Thông. Tiểu sử ấy cho ta thấy Ngài thấu suốt cơ thiền qua Tâm như câu kệ nổi tiếng nói về tôn chỉ Thiền: “Dĩ Tâm Ấn Tâm”. Bài kệ thị chúng sau đây cho ta thấy rõ thêm cơ thiền ấy thế nào.
Chư phương hạo hạo
Vọng tự huyên truyền
Vị ngô thỉ tổ
Thân tự Tây Thiên
Truyền pháp nhãn tạng
Viết vị chi thiền
Nhất hoa ngũ diệp
Chủng tử miên miên
Tiềm phù mật ngữ
Thiện vạn hữu duyên
Hàm vị tâm tôn
Thanh tịnh bản nhiên
Tây Thiên thử độ
Thử độ Tây Thiên
Cổ kim nhật nguyệt
Cổ kim sơn xuyên
Xúc đồ thành trệ
Phật tổ thành oan
Sai chi hào ly
Thất chi bách thiên
Nhữ thiện quán sát
Mạc trám nhi tôn
Trực nhiêu vấn ngã
Ngã bổn vô ngôn.
Tạm dịch:
Nơi nơi đồn đại
Giả dối rao truyền
Bảo thủy tổ ta
Gốc ở Tây Thiên
Truyền pháp nhãn tạng
Cho đó là Thiền
Một hoa năm cánh
Hạt giống liên miên
Ngầm hợp mật ngữ
Ngàn vạn cơ duyên
Gọi là tâm tông
Bản nhiên thanh tịnh
Tây Thiên cõi này
Cõi này Tây Thiên
Xưa nay nhật nguyệt
Xưa nay núi sông
Gặp việc trệ chấp
Oan cho Phật Tổ
Nếu sai một ly
Thì xa vạn dặm
Ông khéo quán sát
Đừng lừa cháu con
Có hỏi thẳng ta
Ta chẳng có lời.
Bài kệ trên đã giới thiệu sự truyền thừa của Thiền một cách độc đáo. Giới thiệu bằng cách phủ nhận “Nơi nơi đồn đại, giả dối rao truyền”. Đồn đại khắp nơi, rao truyền khắp nơi một cách giả dối. Đồn đại cái gì, rao truyền cái gì? Là cả một lịch sử Thiền từ Tây thiên đến Đông độ với một hoa năm cánh “nhất hoa ngũ diệp”, với Lâm Tế, Tào Động, Quy Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn. Rồi tông chỉ của Thiền là gì? Là Tâm Thanh Tịnh, và đạt ngộ rồi thì cõi này cõi kia chỉ là một, trời trăng sông núi xưa nay chẳng khác. Nếu chấp vào đó là Thiền thì lại đổ oan cho Phật tổ, nên nếu không khéo thì chỉ làm cái việc lừa con lừa cháu mà thôi. Nói nhiều cũng chỉ vô ích mà thôi.
Đại ý của bài kệ trên là vậy. Nhưng nói vậy mà không phải vậy. Vì dù nói gì thì cũng chỉ đưa đến vô ngôn. Có thật là Vô ngôn? “Vọng tự huyên truyền” là có hay không? Nếu có sao gọi là vọng? Nếu không thì “nhất hoa ngũ diệp” là chi? Nên vọng mà không vọng, không vọng mà vọng. “Tây thiên thử độ, thử độ Tây thiên” có khác gì “đây là tịnh độ, tịnh độ là đây”. Vũ trụ trời đất xưa nay có gì khác? Quá khứ, hiện tại, vị lai chỉ ở trong một tâm. Tâm bản nhiên thanh tịnh. Cho nên đừng phân biệt kẻo “sai chi hào ly” và “thất chi bách thiên”. Có hỏi ngàn lần cũng vậy mà thôi, cũng chỉ vô ngôn mà thôi, cũng vẫn “trong 49 năm ta chưa từng nói lời nào” mà thôi.
Xin đừng lầm lẫn và xin đừng để Tổ gạt.
Phổ Đà, 29/4/2011.
Thích Từ Nghiêm
(Nguồn: Pháp uyển số 1)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét