Con người ấy tên là Duy, tự là Ma Cật, ghép lại là Duy Ma Cật, chỉ chừng đó thôi cũng đã nói lên được một tâm thái vô ngại giữa cuộc thế lắm nhiễu nhương. Duy Ma Cật vốn là tên của một vị Đại sỹ thông đạt pháp môn Bất nhị, an trú trong Vô ngôn đại định của Không tính.
Từ thuở ấu thời, do ảnh hưởng của gia đình, Vương Duy đã là một người tín phụng Phật giáo. Đến tuổi tóc bạc, lòng tín mộ ấy càng thâm sâu, đời sống có lúc tưởng chừng như vị sơn tăng. Lại nữa, xã hội Đường triều bấy giờ chịu ảnh hưởng thiền lý rất mạnh, nhất là trong giới sĩ phu, tình thơ ý thiền hòa quyện vào nhau, “thi vị thiền khách thiêm hoa cẩm, thiền thị thi gia thiết ngọc đao – thơ thêm hoa gấm cho khách thiền, thiền lại là con dao bén cho nhà thơ” như Nguyên Di Sơn đã nói. Chính hoàn cảnh ấy đã hun đúc nên hồn thơ của Vương Duy, bậc được tôn xưng là Thi Phật.
Trong số các bài thơ của Vương Duy được giới phê bình nhận định đạt đến sự dung thông trác tuyệt giữa thi tâm và thiền tâm, xứng đáng với danh hiệu Thi Phật, thì bài Thù trương thiếu phủ là một minh họa.酬張少府
晚年惟好靜,萬事不關心。
自顧無長策,空知返舊林。
松風吹解帶,山月照彈琴。
君問窮通理,漁歌入浦深。
Phiên âm:
Vãn niên duy hiếu tĩnh
Vạn sự bất quan tâm
Tự cố vô trường sách
Không tri phản cựu lâm
Tùng phong xuy giải đới
Sơn nguyệt chiếu đàn cầm
Quân vấn cùng thông lý
Ngư ca nhập phố thâm.
Tạm dịch:
Tuổi già vui cảnh vắng
Mọi việc chẳng quan tâm
Tự thấy không mưu chước
Về rừng tìm nghĩa không
Gió ngàn bay cợt áo
Trăng núi xuống đàn cầm
Người hỏi cùng thông lẽ
Ngư ca thủng thẳng ngâm.
Cuộc đời của Vương Duy đại để mang dấu ấn của hai thời kỳ, đó là trước và sau loạn An sứ (An lộc sơn). Sau loạn An sứ, nhiệt huyết quan trường của ông không còn nữa mà thay vào đó là “trường trai bái Phật”, “diệc quan diệc ẩn”. Khi thượng triều là quan viên, thoái triều xong là tăng nhân ẩn sỹ; bên ngoài tuy mang áo mão triều đình nhưng trong lòng luôn vắng lặng tợ thâm lâm. Thù trương thiếu phủ là bài thơ thù tạc với Trương Thiếu Phủ, tuy nhiên, đến nay người ta vẫn chưa biết Trương Thiếu Phủ là ai. Thiếu phủ còn gọi là huyện úy, vị quan đứng sau huyện lệnh, tất nhiên đây là con người bận rộn trăm mối lo toan, là đối tượng đang tham vấn Vương Duy.
“Vãn niên duy hiếu tĩnh, vạn sự bất quan tâm”. Liên đầu của bài thơ đã là một sự thù đối, người quan trường canh cánh, kẻ buông thõng sự đời. Thế giới này, nói như các triết gia, là thế giới vong thân. Đúng thế, con người dễ đánh mất chính mình nhưng mấy ai dám đánh mất thế giới, bỏ quên những vương vấn của cuộc đời! Cuộc thế với trăm sự rối rắm giờ đây không còn bận lòng thi nhân nữa, chỉ còn duy có một chữ tĩnh đang chờ đợi bước vào. Tất nhiên, để đạt được cái “duy hiếu tĩnh” ấy không phải là dễ dàng, cũng như phải trải qua thời thiếu niên, trung niên rồi mới đến vãn niên. Tuổi trẻ thì: “thiếu niên thức sự thiển, cưỡng học can danh lợi: thiếu niên hiểu biết cạn, chỉ học vì danh lợi”, trưởng thành cũng chỉ mới: “trung tuế pha hiếu đạo: trung niên hơi mến đạo”. Thời ấy đã qua, giờ đây cái tĩnh lặng đã ngự trị trong tâm, không còn chỉ là “hiểu biết cạn”, cũng không “hơi mến đạo” mà là “chỉ yêu mến sự tĩnh tại”. Thi nhân đã cảm nhận được niềm hoan lạc của sự tịch mịch: “dĩ ngộ tịch vi lạc, thử nhật nhàn hữu dư” như chính ông đã nói trong Phạn phú phủ sơn tăng. Đây đúng là phong thái mà ta đã bắt gặp ở thiền sư Không Lộ: “trạch đắc long xà địa khả cư, dã tình chung nhật lạc vô dư”.
“Tự cố vô trường sách, không tri phản cựu lâm”. Liên thứ hai, hạm liên, như là một lý do cho sự trở về với cái chân thật, trở về với chân tâm của mình, đó là tâm Không. Bởi vì sự thế rồi ra chỉ là phù du huyễn mộng, như Lý Bạch từng cảm thán trong Kim lăng thành tây lâu nguyệt hạ: “cổ lai tương tiếp nhãn trung hy: bao chuyện liên tiếp xưa nay cứ mờ đi trong mắt”, chỉ còn chăng đó là mối chân tâm vắng lặng của Bản lai diện mục. “Vô trường sách” là muốn nói thời thế nhiễu nhương, tấm nhiệt huyết của Vương Duy không mong gì xoay chuyển nổi thế cuộc. Thời thế đã ô trược thì phải giữ lòng mình thanh cao, đó là đạo lý xuất xử xưa nay của các bậc sĩ phu. “Không tri” là hiểu nghĩa Không. Chữ Không ở đây thuần nhiên là một khái niệm Phật học, một chữ mà Vương Duy rất thích dùng, tuy cũng có lúc nghĩa dùng hơi khác, như “không quán”, “không đình”, “không lâm”, “không sơn”, “không đàm”, “không đường”, “không cung”, “sơn hà không”, “giang không”, “sơn không”, “không tánh”, “không nhật”, “không cốc”... Đời Đường được xem là thời hoàng kim của Phật giáo Trung Quốc, tư tưởng thiền đã đi sâu vào tiềm thức của giới tao nhân mặc khách. Bạch Cư Dị nói: “Tiên dĩ thi cú khiên, hậu linh nhập Phật trí, nhân đa ái thi cú, ngã độc tri sư ý”, nghĩa là: Trước lấy câu thơ dẫn dắt, sau đó khiến nhập vào Phật trí, người đời phần nhiều thích câu chữ, chỉ riêng ta hiểu được ý của Phật. Lời nói của họ tuy có phần hơi quá nhưng nhìn lại sinh hoạt của Vương Duy thì rõ ràng là rất khế hợp. Cựu Đường thư chép về Vương Duy: “Trong phòng chẳng có gì, chỉ có chén trà, thuốc bệnh, bàn kinh và giường chõng mà thôi”. Sách sử xưng tụng: “Sau khi vợ qua đời, ba mươi năm sống cô độc một phòng, tuyệt hết trần lụy”. Đúng là một nếp sống trái ngược với quan trường nơi ông đang tham dự. Lối sống thanh đạm ấy trên thực tế đã là “phản cựu lâm: trở về rừng xưa”. “Cựu lâm” ở đây là biểu tượng cho sự vắng lắng, vắng lặng trong tâm tư và vắng lặng ngoài cảnh trí. Trở về rừng xưa là trở về với sự tịch tĩnh vô ngôn của diệu đạo chứ không chỉ là trở về với rừng vắng của cảnh quan bên ngoài. Thi nhân trở về nơi ấy để tắm mát trong suối nguồn uyên nguyên của Không tính. Nếu trong tâm, cựu lâm là chốn u đài linh thánh; thì bên ngoài, cựu lâm là ám chỉ Võng Xuyên Biệt Thự (Võng Xuyên Trang), nơi ông đã từng trải qua cuộc sống thanh nhàn. Đó là “vũ trung thảo sắc lục kham nhiễm, thủy thượng đào hoa hồng dục nhiên” trong Võng xuyên biệt nghiệp, là “không sơn bất kiến nhân, đãn văn nhân ngữ hưởng, phản cảnh nhập thâm lâm, phục chiếu thanh đài thượng” trong Lộc trại...
Liên thứ ba, cảnh liên, “tùng phong xuy giải đới, sơn nguyệt chiếu đàn cầm” miêu tả cụ thể cái gọi là “vạn sự bất quan tâm”. Có thể nói đây là hai câu thơ trác tuyệt, đối ý đối từ rất hoàn chỉnh, tiết tấu tươi sáng, ý vị lưu hoạt, thể hiện được phong thái siêu thoát và vô ngại của Thi Phật Vương Duy. Gió, trăng, đàn, áo tất cả đều là những vật thể vô tri, thế nhưng với Vương Duy, chúng đã trở thành những thực thể mang đầy tình ý, có như thế vị ẩn sỹ mới cùng bầu bạn được. Tùng phong thì hữu ý, đùa cợt làm tăng thêm niềm cảm khái ân huệ của trời đất. Sơn nguyệt thì đa tình, soi chiếu khiến âm nhạc càng thêm tuyệt diệu. Không chỉ vậy, cảnh giới siêu trần thoát thế ấy còn được thể hiện bàng bạc trong thơ ông. Trong Trúc lý quán ông nói: “độc tọa u hoàng lý, đàn cầm phục trưởng khiếu, thâm lâm nhân bất tri, minh nguyệt lai tương chiếu”. Tùng, trúc, phong, cầm giờ đây là người bạn tâm tình nếu không muốn nói là một phần của sinh mệnh. Thi nhân vui chơi giữa cảnh gió trăng cũng như tự tại trong cảnh giới vô phiền của tự tâm. Đấy cũng là hình ảnh vị Đại sỹ Duy Ma Cật du hý trong cõi Vô ngôn đại định. Thế giới ô trược giờ đây đã bị lãng quên, chỉ còn lại một bầu trời siêu thoát.
Trong cảnh giới tự tại của vô ngôn ấy nếu khởi tâm động niệm thì làm sao khế hợp! Cho nên ở phần kết bài thơ, cả một khoảng trời thiền được mở ra: “quân vấn cùng thông lý, ngư ca nhập phố thâm”. Ở đây, Trương Thiếu Phủ muốn hỏi về thời vận quan trường, chuyện thành bại của sự nghiệp, nhưng Vương Duy với “vạn sự bất quan tâm” thì phải ăn làm sao, nói làm sao!? Bởi hai con người đã là hai cảnh giới sai biệt, lấy cái gì tương thông để luận bàn!? Chỉ còn cách lấy vô ngôn mà đối hữu ngôn. Nếu “tùng phong xuy giải đới” là một bức tranh sơn thủy thanh lương thì “ngư ca nhập phố thâm” lại là một bức tranh sống động về con người nhàn nhã, chính vì lý do ấy mà thơ Vương Duy được ca ngợi là giàu chất họa. Tô Thức nói thơ Vương Duy “thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” là thế. “Ngư ca nhập phố thâm”, khi hỏi đến chuyện đời, con người ấy chỉ cười mà không nói, ngâm nga chèo thuyền mà đi. “Ngư ca” là một từ thường gặp trong văn học Trung Hoa, và thường là muốn ám chỉ khúc cổ nhạc Ngư ca, tương truyền do Liễu tông Nguyên (773-819) làm ra. Tuy nhiên, Liễu Tông Nguyên là người đời sau của Vương Duy cho nên “ngư ca” ở đây không phải vậy, mà chính là thế giới du nhàn của ông như được chép trong Cựu Đường thư: “thuyền nhẹ tới lui, đàn địch thi phú, ca vịnh suốt ngày”. Thế giới ấy còn gì là vui sướng bằng!
Nhiều người vẫn nói Vương Duy là con người “thân tại triều đình, tâm tại sơn dã”, lời nhận xét ấy quả thật rất xác đáng. Tuy thân làm đến chức Thượng Thư Hữu Thừa thế nhưng trong lòng không bao giờ quên cái tình thanh đạm của điền viên, không bị bụi trần của danh lợi che mờ đi cái chân tâm tự tại. Thơ ông luôn toát lên niềm hoan lạc của một tâm hồn rủ hết trần ai, siêu thoát tự tại như vị Đại Bồ Tát dạo chơi trong cõi đời phiền tỏa.
Quảng Hương Già Lam 30/11/2004
Thanh Hòa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét