Thích Ca Phật Đài - Chùa Long Sơn, Nha Trang |
Mỗi khi hoài niệm về đức Phật, chúng ta liền nghĩ đến sự chứng thành quả vị Chánh giác của Ngài trong đêm chứng ngộ. Trong đêm lịch sử ấy, ba sự kiện quan trọng đã diễn ra tương ứng với ba thời khắc của đêm, chúng đánh dấu một bước ngoặt thành tựu của con người, đồng thời khai phát một con đường phát triển tâm linh và tìm cầu giải thoát cho nhân loại.
Sau khi nhận thấy khổ hạnh ép xác không mang lại sự giác ngộ giải thoát, đức Phật từ bỏ pháp tu đó và đến thiền tọa dưới cội bồ đề bên dòng Ni liên thiền. Suốt 49 ngày đêm ròng rặc, vào đêm thứ 49, trong khoảnh khắc đầu đêm, với tâm đã “định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc” ánh sáng đã khởi lên trong Ngài, hiểu biết và trí tuệ đã khởi lên. Ngài thấy được các đời sống quá khứ của mình và của các loài chúng sanh, đầu tiên là một đời, hai đời, ba đời rồi lên đến nhiều đời. Ngài chứng được Túc mạng minh. Tiếp tục quán chiếu, trong khoảng thời gian giữa đêm, Ngài thấy được các loài chúng sanh, tùy theo nghiệp lực của họ, chết và tái sanh như thế nào; họ đã xuất hiện và biến mất từ hình tướng này đến hình tướng khác, từ cõi này đến cõi khác như thế nào. Ngài chứng được Thiên nhãn minh. Tiếp sau đó, trong khoảng thời gian cuối đêm, Ngài thấy được sự sinh và diệt của các pháp, gồm cả tâm pháp (các trạng thái tâm lí) và sắc pháp (các hình tướng bên ngoài). Ngài thấy được các pháp sinh khởi phụ thuộc vào nhân duyên như thế nào. Điều đó giúp Ngài hiểu rõ được sự sinh và diệt của khổ đau và hết thảy mọi hình tướng không ưng ý, dọn đường cho sự trừ diệt tất cả các tham ái. Ngài chứng được Lậu tận minh. Với sự dập tắt hoàn toàn các tham ái, tâm của Ngài được giải thoát rốt ráo. Ngài thành tựu quả vị Chánh giác. Sự giác ngộ hiện diện trong Ngài cùng với tất cả các thần lực vi diệu. Có kệ tán rằng: nhất đổ minh tinh, đạo thành, giáng pháp lâm (vừa nhìn thấy sao mai, chính là lúc Ngài chứng thành đạo quả, ban bố trận mưa pháp).
Hào quang trí tuệ đã tỏa sáng dưới gốc bồ đề lịch sử tại Bồ đề đạo tràng thuộc hạt Bihar ở Bắc Ấn cách đây hơn 2500 năm có ý nghĩa rất to lớn đối với nhân loại. Nó diễn minh con đường mà nhờ đó loài người có thể đi từ một thế giới mê muội, oán hận và lo sợ sang một thế giới mới đầy ánh sáng, yêu thương và hạnh phúc.
Điều vi diệu gì đã diễn ra trong đêm được nói là lịch sử ấy? Với sự thành tựu 3 phạm trù trí tuệ -tam minh - đức Phật Thích Ca đã thấy được những sự thật siêu phàm mà trước đó chưa ai thấy được. Đó là Tứ Thánh đế, sau này trở thành giáo lý trọng tâm như một sợi chỉ xuyên suốt tất cả kinh điển của Phật giáo. Đó là:
Sự thật vi diệu về khổ - Khổ thánh đế;
Sự thật vi diệu về nguyên nhân của khổ - Khổ tập thánh đế;
Sự thật vi diệu về diệt khổ - Khổ diệt thánh đế;
Sự thật vi diệu về con đường diệt khổ - Khổ diệt đạo thánh đế.
Thánh đế thứ nhất là chân lý về cái được gọi là Dukkha, nó thường được dịch là “khổ”. Từ Dukkha tuy là một dụng ngữ phổ thông nhưng đã được đức Phật sử dụng để thể hiện cái nhìn của Ngài về cuộc sống và thế giới sau khi đã giác ngộ, và cũng do đó mà nó có một ý nghĩa triết lý thâm sâu hơn. Sanh, già, bệnh, và chết là chân lý phổ quát. Hết thảy các loài chúng sanh đều phải nhận chịu nỗi đau thương sợ hãi này. Xa lìa người yêu thương và những cái ưa thích, gặp gỡ những người oán ghét và những việc không như ý, không đạt được những gì mình mong ước (ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ và cầu bất đắc khổ) – tất cả những thứ này đều là nguồn gốc của khổ đau và sự bất mãn. Đức Phật cô đúc Dukkha lại trong cái được gọi là Ngũ ấm xí thạnh khổ (năm uẩn lẫy lừng).
Ở trên nói rằng Dukkha còn có một ý nghĩa triết lý thâm sâu hơn bởi vì nó bao hàm toàn bộ sự hiện hữu.
Đời sống của chúng ta hay toàn thể quá trình sống được xem như một dòng chảy hỗn hợp gồm 5 uẩn, đó là sắc, thọ, tưởng, hành và thức uẩn. Những thứ này bao gồm 2 phạm trù sắc (vật chất) và tâm (tinh thần), chúng là những cái luôn luôn ở trong trạng thái biến đổi.
Quán sát quá trình vận hành của những yếu tố sắc và tâm này, chúng ta sẽ nhận ra bản chất chân thật của sự sống. Chúng ta sẽ thấy được nó thay đổi và bất trắc như thế nào, và từ đó nhận thấy không có một thực thể hay cái ngã chân thật nào để chúng ta có thể bám víu như là “tôi”, “của tôi” hay “cái của tôi”.
Khi nhận thức được bản chất không như ý của cuộc sống, tự nhiên chúng ta sẽ muốn vượt ra khỏi chúng, khởi lên ước muốn xuất ly. Đây chính là lúc chúng ta bắt đầu tự chất vấn một cách nghiêm túc về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Điều đó thôi thúc chúng ta truy tìm chân lý để biết được bản chất chân thật của sự hiện hữu và để có được trí tuệ để vượt qua những cái trói buộc.
Cho nên, theo quan niệm của người Phật tử, mục đích của cuộc sống là phải chấm dứt khổ đau và tất cả các hình thái bất như ý khác, phải tìm thấy an lạc và hạnh phúc thật sự. Đấy là ý nghĩa của việc hiểu và thực hành Thánh đế thứ nhất - Khổ thánh đế.
Thánh đế thứ hai - Khổ tập thánh đế - minh giải nguồn gốc của khổ đau. Taṇhā (tṛṣṇā) hay tham ái là nguyên nhân chung của khổ đau. Nó không chỉ bao gồm nỗi đam mê đối với thú vui xác thịt, của cải và quyền lực mà còn cả sự chấp thủ đối với quan điểm, giới cấm tu trì, cái ngã. Đó là dục ái (kāma-tṛṣṇā) - tham muốn về lạc thú; hữu ái (bhava-tṛṣṇā) - tham muốn về sự tồn tại trong cõi dục; và phi hữu ái (vibhava-tṛṣṇā) - mong muốn sinh vào cõi sắc và cõi vô sắc. Ngoài ra còn có sự tham ái đối với phi hữu, tức là mong muốn không hiện hữu. Đây đều là những hình thái khác nhau của tính ích kỷ, tham muốn mọi thứ cho bản thân, dù phải xâm phạm đến quyền lợi của kẻ khác.
Vì không nhận thức được bản chất thực sự của tự ngã nên con người bám víu vào những thứ tạm bợ, vô thường và khả hoại. Rồi do không thỏa mãn được dục vọng thông qua những thứ này nên con người đau khổ và phiền não.
Tham ái là một thế lực tiềm ẩn và gay gắt hiện diện trong tất cả chúng ta, là nguồn gốc của khổ đau. Chính nó trói buộc chúng ta ở trong luân hồi, chịu sự sinh tử vô cùng vô tận.
Thánh đế thứ ba nói về sự tận diệt của khổ đau - Khổ diệt thánh đế. Đó là một cảnh giới không có tham ái, không hiện hữu, không tái sanh; không có sanh, không có già, không có bệnh, không có chết và vì thế cũng không có khổ đau. Như thế, bằng cách diệt trừ những nguyên nhân đưa đến khổ đau, con người sẽ không còn khổ đau nữa.
Thánh đế thứ tư diễn bày con đường đưa đến sự tận diệt khổ đau - Khổ diệt đạo thánh đế. Đó là con đường cao quý gồm tám nhánh (bát chánh đạo), một con đường trung đạo tránh xa hai cực đoan phóng túng và khổ hạnh. Nó gồm có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Tám chi thánh đạo này được xây dựng trên nền tảng 3 môn học vô lậu: giới - định - tuệ.
Giới hay thiện hành là tránh xa những hành vi xấu ác - những hành vi được dẫn dắt bởi tham, sân, và si; đồng thời thực hành những việc lành, những hành động không chịu sự chi phối của tham, sân và si mà hơn thế nữa, chúng được khơi nguồn bởi từ bi và trí tuệ. Mục đích của việc tu tập giới là để tâm được an ổn. Tâm an thì tự nhiên sẽ được thanh tịnh và tỉnh giác.
Định là các trạng thái tâm tĩnh lặng và có khả năng quán sát. Nó có khả năng thấy được nhân quả, và bản chất chân thật của đời sống, từ đó phát khởi trí tuệ.
Tuệ, trong Phật giáo, là khả năng nhận thức được những chân lý căn bản của cuộc sống, cơ bản là bốn Thánh đế. Hiểu thấu bốn Thánh đế sẽ cho ta mục đích và định hướng đúng đắn trong cuộc đời, từ đó tìm phương hướng giải quyết những vấn đề liên quan đến con đường tìm cầu giải thoát.
Trải qua hơn 25 thế kỷ, mặc cho tri thức khoa học phát triển đến những đỉnh cao chưa từng có đã giúp con người mở rộng tầm hiểu biết của mình về tâm linh và vũ trụ, giáo pháp của đức Phật vẫn còn có những chỗ ẩn áo để cho chúng ta khám phá và học hỏi. Thông điệp của đức Phật gửi cho nhân loại vẫn còn đứng vững như lúc nó mới được tuyên thuyết lần đầu mà không bị ảnh hưởng bởi thời gian và sự phát triển của tri thức.
Với Phật pháp, mọi người đến để thấy và nhận định cho bản thân. Tính phổ quát của Phật pháp đã khiến Albert Einstein - nhà khoa học vĩ đại nhất của nhân loại - tuyên bố rằng “nếu có một tôn giáo nào có thể đáp ứng được những đòi hỏi của khoa học hiện đại, đấy chính là Phật giáo”.
Đến bất kỳ nơi đâu, giáo pháp của đức Phật đều trở thành một năng lực chuyển hóa tốt lành. Nó chú trọng đến tính hợp lý và cho phép tự do trong tư tưởng. Tùy theo quốc độ, dựa trên nền tảng giáo lý căn bản, Phật giáo cho phép kiến tạo một nền văn hóa cũng như đời sống hành trì của Phật giáo mang tính bản địa. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, ngôn ngữ của khoa học công nghệ thông tin, Phật giáo là một “tôn giáo mở”.
Giáo pháp của đức Phật là con đường vượt thoát những ưu lo phiền muộn, vượt ra ngoài những giới hạn do con người tạo nên. Con đường đó đã được kiểm chứng bởi chính đức Phật và những Thánh đệ tử của Ngài, và quan trọng hơn nữa, hết thảy mọi người đều có thể đi trên đó, không phân biệt đẳng cấp, màu da hay tín ngưỡng.
THÍCH THANH HÒA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét