Thứ Hai, tháng 11 20, 2006

Thiền làm lắng tâm, giúp cơ thể khỏe mạnh

Jim McLaughlin là một con người thực tế trong suốt cuộc đời của mình. Ông là nhà cố vấn thương mại phục vụ 10 năm trong Hải quân Mỹ, chưa bao giờ sử dụng thuốc kích thích, lập gia đình năm 32 tuổi và có 2 con, cả 2 đều được đào tạo chuyên môn.
Thiền Phật giáo vẫn còn xa lạ đối với ông khi ông bắt đầu tìm cách chế ngự sự rối loạn trong tâm mình. Và rồi, vào những năm cuối của độ tuổi ngũ tuần, ông được chẩn đoán là mắc phải chứng thiếu tập trung (ADD - Attention Deficit Disorder).
“Tôi đã mắc chứng này từ rất lâu, có điều là tôi chưa bao giờ nhận ra nó,” ông nói. “Đó là lý do tại sao tôi cứ lượn lờ như một con bướm từ nơi này đến nới khác. Tôi cần một thứ gì đó để làm lắng dịu tất cả những náo động trong đầu tôi. Tôi đang gặp phải những rắc rối trong vấn đề duy trì công việc cho ổn thỏa. Đã có những cảm giác vô vị …”
Ba năm trước, ông được nghe một nhà khoa học, Daniel Goleman, bàn về một bài thực hành được gọi là thiền chánh niệm trong một buổi nói chuyện trên radio. Ông ta đã nói không phải bằng cách thức của tôn giáo mà bằng cách thức của một nhà khoa học nói về một phát minh mới. McLaughlin đã đọc cuốn Những cảm xúc tiêu cực (Destructive Emotions) của Goleman và quyết định thử thực hành thiền.
Ngày nay, sau ba năm tham gia Hội Thiền tuệ giác Thánh Louis (St. Louis Insight Meditation Group), McLaughlin cho biết thiền đã thay đổi cuộc đời của ông. Ông hành thiền 30 phút mỗi ngày, khoảng 4 hoặc 5 ngày trong một tuần.
 “Đó không phải là một tôn giáo,” ông nói. “Tôi là người theo Tân giáo và không lý do gì tôi phải thay đổi đức tin của mình đối với Chúa. Tôi chỉ muốn chế ngự sự ồn ào trong đầu tôi.”

Chủ Nhật, tháng 11 19, 2006

BÁNH XE LUÂN HỒI

Bánh xe luân hồi là tên gọi chỉ cho một biểu tượng được vẽ như hình bánh xe có 12 chiếc nan hoa dùng để biểu trưng cho giáo lý mười hai nhân duyên trong nhà Phật. Biểu tượng bánh xe luân hồi trải qua thời gian đã trở thành ý niệm quen thuộc trong dân gian, đôi khi nó xuất hiện dưới cái tên ‘bánh xe sinh hóa’ hay ‘bánh xe sinh tử’. Vậy bánh xe luân hồi có ý nghĩa như thế nào trong nhà Phật?
Trước hết, bánh xe luân hồi diễn tả sự luân hồi của chúng sinh trong các nẻo đường sinh tử; đồng thời qua đó biểu thị những tư tưởng tinh túy của Phật giáo như giáo lý Tứ diệu đế và Thập nhị nhân duyên. Tứ diệu đế là bốn sự thật vi diệu, thâm sâu. Bốn sự thật này gồm có: 1- cuộc đời này tràn đầy khổ đau; 2- khổ đau ấy có nguyên nhân của chúng, đó là tham ái, sân giận, si mê…, 3- trạng thái tức diệt những nguyên nhân của khổ đau ấy; 4- con đường dẫn đến sự tức diệt ấy. Xuyên suốt bốn sự thật được diễn tả qua giáo lý Tứ diệu đế là giáo lý Thập nhị nhân duyên. Đó là giáo lý về chuỗi nhân duyên gồm mười hai chi phần giải thích quá trình vận hành của toàn thể thế gian bao gồm cả hữu tình và vô tình.

Thứ Ba, tháng 9 05, 2006

Nó vốn như vậy

“Lẽ ra nó không nên như vậy”, “Lẽ ra nó phải như thế” là những câu than vãn mà chúng ta thường bắt gặp. Hay nói đúng hơn, đó chính là tâm lý thường tình của nhân loại chúng ta. Nguyên nhân do đâu? Do chúng ta không nhận thức đầy đủ lý tánh Như Thị của các pháp. Mọi sự vật hiện tượng, dù biểu diện của nó có thế nào đi nữa, vốn chỉ là sự thể hiện của lý Duyên khởi. Các pháp do duyên sinh, các pháp do duyên diệt. Điều kiện hội tụ thì có sự sinh khởi, điều kiện tán thất thì có sự diệt vong. Tán tụ diệt sinh đều là bất khả tư nghị, đều là “pháp nhĩ như thị”. Mọi sự vật hiện tượng đã là “pháp nhĩ như thị - pháp tánh là như vậy”, nói theo ngôn ngữ đời thường là: “nó vốn như vậy”, nó tồn vong theo cách mà nó phải thế, cho nên chúng ta không thể “mong nó như thế này”, “mong nó như thế khác”.

Chủ Nhật, tháng 8 27, 2006

Dược Sư Như Lai

Vị Y Vương Chữa Trị Những Căn Bệnh Thân và Tâm
Nguyên tác: Geshe Kelsang Gyatso
Thanh Hòa dịch 


Đức Phật Dược sư là một đấng Toàn giác. Để hiểu rõ ngài là ai, bản thể của ngài là gì, vai trò của ngài như thế nào…, trước tiên chúng ta cần hiểu thế nào là một chúng sinh giác ngộ.
Thông thường, “chúng sinh” là chỉ cho bất cứ sinh thể nào cảm nhận được cảm giác (có cảm thọ) – dễ chịu, khó chịu và trung tính. Như thế, chúng ta là những chúng sinh, và các loài sinh vật khác cũng là những chúng sinh; nhưng nhà cửa và cây cỏ thì không phải là chúng sinh bởi vì chúng không có cảm giác. Có hai loại chúng sinh: hàm thức và giác ngộ. Một chúng sinh hàm thức, hay là một sinh thể đang sống, là chúng sinh mà tâm của nó đang bị bóng tối vô minh bao phủ. Một chúng sinh giác ngộ là một chúng sinh đã hoàn toàn thoát khỏi bóng tối của vô minh.

Thứ Tư, tháng 8 23, 2006

Tìm Hiểu Về Sám Hối


1. Giới thiệu

Kinh Đại Bát-niết-bàn có nói: “thế gian có hai hạng người dũng mãnh, thứ nhất là người không làm ác, thứ hai là người đã làm ác mà biết hối lỗi”. Sống trên cuộc đời này mấy ai không phạm phải điều sai quấy, điều quan trọng là phải nhận thức và sửa đổi những lỗi lầm mình đã phạm, có như thế thì cuộc sống mới càng ngày càng tốt đẹp hơn. Đối với người xuất gia, muốn thực hiện con đường giải thoát thì phải hộ trì Thánh giới đã thọ không để cho bị hủy phạm, nếu Thánh giới bị hủy phạm khiến cho giới thể bị ô nhiễm thì cần phải làm cho thanh tịnh trở lại. Lại nữa, các hành vi thiện ác của chúng ta vốn không mất đi mà nó chỉ chuyển sang một dạng tồn tại khác dưới hình thức những năng lực tiềm tàng gọi là nghiệp. Nghiệp ấy đức Phật dạy: “Một khi nghiệp đã được tạo thì trăm ngàn kiếp không mất đi, chỉ chờ điều kiện thuận tiện là phát hiện thành quả”. Vì nghiệp là năng lực dẫn sanh quả báo, cho nên người học Phật cần phải biết cải thiện nghiệp của mình. Xuất phát từ hai lý do hộ trì Thánh giới và tiêu trừ nghiệp này mà đức Phật thiết lập phương pháp sám hối.

Thứ Hai, tháng 7 24, 2006

Phật giáo: Hữu thần - Vô thần

Theo nếp suy nghĩ của chúng ta, mọi vật trong thế giới đều được chia thành hai đối cực: có - không, đúng - sai, phải - quấy… Nhưng mà, vạn vật đâu phải chỉ là sự phân chia ranh giới rạch ròi, sự phân chia rạch ròi đó chỉ là hệ quả hệ lụy từ trong bản chất ưa suy luận của chúng ta thôi (kinh Lăng già gọi là hý luận: prapañca).
Cũng theo lối lập luận ấy, người ta nghĩ về đạo Phật, kẻ hoan nghênh, người phản bác, trịnh trọng tuyên bố đạo Phật là đạo vô thần (atheism).

Thứ Bảy, tháng 6 24, 2006

Giải mã Da Vinci cho Phật Giáo


Ngày 19/05/2006 vừa qua, đạo diễn người Mỹ Ron Howard cho công chiếu bộ phim The Da Vinci Code đã khiến cho dư luận xoay quanh cuốn tiểu thuyết trinh thám The Da Vinci Code A Novel của nhà văn Dan Brown lại một lần nữa nổi lên rầm rộ, nhất là đối với những tín đồ Thiên chúa giáo. Một trường hợp như thế nếu được lồng vào bối cảnh Phật giáo thì sẽ như thế nào? (Người dịch)
Dịch từ "Deciphering 'The Da Vinci Code' with Buddhism" của Shen Shi'an
Thanh Hòa
Nếu bạn chưa bị cơn sốt “Mật mã Da Vinci” (The Da Vinci Code) (DVC) tiêm nhiễm, thì đây là bản tóm tắt bằng chính ngôn từ của tác giả - “Một nhà biểu tượng học nổi tiếng của Harvard được mời đến viện bảo tàng Louvre để nghiên cứu những ký hiệu bí ẩn liên quan đến tác phẩm hội họa của Da Vinci. Trong khi giải mã, ông ta phát hiện ra chìa khóa dẫn đến một trong những điều bí mật vĩ đại nhất của mọi thời đại… và rồi ông ta trở thành kẻ bị truy lùng”.
Một số trong những điều bí ẩn này đặt vấn đề nghi ngờ rằng liệu Chúa Jesus có phải là bậc linh thánh hay không, ngài đã từng kết hôn hay chưa, và Thánh kinh có thật sự ghi lại những gì ngài đã giảng dạy hay không. Câu chuyện DVC là một tiểu thuyết ly kỳ thông thái với những tình tiết phiêu lưu mạo hiểm, những ý đồ mưu sát, sự phản bội và những việc như thế - hầu như cũng hấp dẫn giống như những giả thuyết phản bác mà nó làm sống lại.

Sự Vận Động Của Bánh Xe Sinh Hóa

Con người sinh ra, lớn lên rồi chết đi. Cuộc sống cứ thế trôi qua lặng lẽ giữa bao ồn ào biến động của vũ trụ, thế nhưng có mấy khi chúng ta tự hỏi ý nghĩa đích thực của nó là gì, đằng sau sự vận động ấy có cái gì đang thúc đẩy? Chắc hẳn có lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi với những lao xao của cuộc sống để rồi bất chợt thốt lên như Nguyễn Công Trứ “kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Nói thì nói vậy chứ làm sao có thể “kiếp sau xin chớ làm người” được! “Xin chớ làm người” không phải là Nguyễn Công Trứ không còn muốn làm người nữa mà muốn làm một loại chúng sinh khác, chẳng qua đó là ông cảm thấy mệt mỏi với sự thăng trầm và vô vị khi nhìn lại cả một quãng đời. Ý thức hay trí óc của ông đang muốn từ chối cuộc sống vô cùng vô tận này để được bình yên thế nhưng đằng sau sự toan tính của trí óc ấy còn có một kẻ đang ẩn nấp làm cản trở mọi ước muốn dừng lại, đó là ý chí muốn sống, còn gọi là xung động mù quáng hướng tới sự sống, nói theo ngôn ngữ hàn lâm là Kiết sinh thức (Pratisandhi).

Thứ Sáu, tháng 6 23, 2006

Tiếp Nhận Giáo Lý Nghiệp Như Thế Nào?

1. Nghiệp trong quan niệm của Dân gian
Có thể nói rằng nếu loại bỏ tất cả những gì có nguồn gốc từ Phật giáo hay chỉ liên quan mà thôi thì nền văn hóa của người Việt chúng ta chẳng khác gì một bộ xương khô, hay như một đứa trẻ lên ba muốn nói mà không biết lấy ngôn từ gì để diễn tả cái nó muốn nói, thậm chí chúng ta cũng không còn đủ biểu tượng để suy tư lý luận những vấn đề đơn giản nhất của cuộc sống ngày thường. Phật giáo đã thực sự bám sâu gốc rễ trong lòng văn hóa các dân tộc Đông Á nói chung và dân tộc Việt nói riêng, nó đã thấm sâu vào tiềm thức của mọi người đến nỗi nhiều lúc chúng ta không còn nhận ra đâu là cái mới học được hôm nay và đâu là cái đã có bắt đầu từ khi mới chào đời hay trước đó nữa.
Vừa lọt lòng, đứa con đã nghe bằng trạng thái vô thức câu nói cửa miệng của người mẹ “Lạy Trời lạy Phật cho con tôi siêng ăn siêng chơi”. Lớn lên thì cầu trời cầu Phật cho duyên may duyên tốt: “Tóc ngôi dài, tóc mai cụt; Cầu trời khấn Bụt cho tóc mai dài; Bao giờ tóc chấm ngang vai; Thì ta kết nghãi làm hai vợ chồng”. Nghĩ đến mẹ cha thì cầu “Chí tâm niệm Phật đêm ngày, cầu cho cha mẹ sống tày non cao” hay “Dốc lòng niệm Phật không lơi, cầu cho cha mẹ thác thời siêu sinh”. Nói chung, trong tư duy của giới bình dân, hình ảnh chùa, Phật trở nên quá quen thuộc, nó đã thấm sâu vào dòng máu của mọi người từ nhiều đời nhiều kiếp mà như Vũ Hoàng Chương đã từng nói “Trang sử Phật cũng là trang sử Việt”
[1]. Trong đó, về mặt đạo lý, phải nói rằng tư tưởng “nghiệp báo luân hồi” là cái đã có ảnh hưởng sâu đậm nhất. Tuy nhiên, quan niệm nghiệp báo trong dân gian không hoàn toàn giống như giáo lý nghiệp mà đức Phật dạy. Điều đó là một hiện tượng tất nhiên trong quá trình lưu truyền và dung hợp của mọi hình thái tư tưởng khi đi vào quần chúng.

Thứ Ba, tháng 6 06, 2006

Sự đa dạng của Nghiệp_Phân biệt Nghiệp


Trong Kinh tạng, khái niệm nghiệp thường được nhắc đến một cách đơn giản và khái quát như nghiệp thiện, ác hoặc nghiệp của thân, miệng, ý. Thế nhưng, vào thời kỳ Phật giáo Bộ phái, các bộ luận nối tiếp nhau ra đời; các luận chủ đi sâu vào phân tích nghĩa lý đã được nói vắn tắt trong các kinh làm cho giáo lý được triển khai ra nhiều phương diện; các khái niệm cũng theo đó mà trở nên phức tạp từ tên gọi cho đến phạm vi ý nghĩa. Để giúp người học Phật hiểu cặn kẽ tính chất, ý nghĩa của nghiệp, các bộ luận như Câu-xá, Tì-bà-sa… đã phân tích khái niệm nghiệp dưới nhiều góc độ, tạo nên sự đa dạng trong cách phân loại. Dưới đây là các loại nghiệp đã được tìm thấy trong tam tạng giáo điển, và sự phân loại này chủ yếu dựa trên luận Câu-xá.

Thứ Bảy, tháng 6 03, 2006

Cái nhìn sơ khởi về NGHIỆP

Cuộc sống là quá trình vận hành không gián đoạn của dòng tâm thức, hay nghiệp lực. Mỗi chúng sanh tùy theo nghiệp nhân đã tạo mà luân chuyển từ đời này sang đời khác, từ cõi này sang cõi khác. Cho đến, thế giới hiện tượng xung quanh cũng là kết quả biến thái từ nghiệp nhân của chủ thể, cũng gọi là y báo dựa trên chánh báo mà vận hành. Hay nói khác đi, muôn sai ngàn biệt của thế giới đều là kết quả y cứ trên nghiệp lực của chúng sanh, như luận Câu-xá nói: “Thế gian do nghiệp sanh”[1]. Luận Thành duy thức cũng dẫn lời kinh: “thế gian xuất hiện do ảnh hưởng cộng đồng bởi lực tăng thượng của nghiệp của tất cả hữu tình”[2]. Mỗi chúng sanh, dù thuộc cảnh giới nào, cao hay thấp, vui sướng hay khổ đau, tất cả đều phải nhận lấy trách nhiệm về hành vi của chính mình mà không thể nhờ một ai khác chịu lãnh thay. Chính đức Phật đã dạy: “chúng sanh chính là kẻ thừa tự những hành vi (nghiệp) nó đã làm trong quá khứ”. Hành vi ấy, tức là nghiệp, theo đuổi chúng sanh suốt quãng đường sinh hóa như bóng theo hình, như một sự kế thừa tất yếu từ cái đi trước để lại. Trong kinh Tiểu nghiệp phân biệt (Majjhima Nikāya 135, Culakammavibhanga sutta), đức Phật dạy rằng: “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu”[3]. Một người làm lành lánh dữ thì trước sau gì cũng nhận lấy những điều tốt đẹp mà họ đã vun bồi, trong đời sống hiện tại tâm luôn được an vui; trái lại, người mang tâm địa xấu xa, hành động luôn luôn đe dọa đến sự yên lành và ích lợi của kẻ khác thì không những về sau phải nhận lấy những hậu quả đen tối mà ngay trong giây phút hiện tại, trong lòng phải canh cánh những nỗi lo âu khiếp hãi. Bắt nguồn từ nhận thức đơn giản mà giàu tính hướng thượng ấy nên trong dân gian mới có câu “gieo gió gặt bão”.

Thứ Năm, tháng 6 01, 2006

Gã cùng tử trở về


Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lý trình.
Lang thang làm khách phong trần mãi,
Ngày một thêm xa chốn quê nhà.
Cuộc sống là hành trình ra đi mà ít khi nhớ quay trở lại, có nhớ chăng thì đêm tối đã tràn đầy mà đường về hãy còn tít mù khơi. Cảm thức ra đi đã bám sâu trong cội nguồn của mỗi tâm thức, cho nên, kể từ khi cảm nhận được ngoại cảnh, trí óc con người đã bắt đầu đấu tranh, suy nghĩ để khơi nguồn cho hành trình ra đi ấy - một sự ra đi cứ xa mãi trung tâm của cuộc sinh hóa.
Ý thức con người là kẻ tiên phong cho hành trình viễn chinh của óc suy luận, để lại ở quê nhà gốc rễ tâm linh. Từ khi biết suy tư, trí óc con người luôn luôn muốn phần thắng về mình, nó ra đi với lòng háo hức. Nó hung hăng, mạo hiểm kiếm tìm chút bình yên trong Ảo Hóa. Đó là hình ảnh gã Cùng Tử trong kinh Pháp Hoa trải qua năm tháng, vì cuộc sinh tồn mà quên khuấy đi người cha già của mình; là thế giới nhị nguyên của các tư trào ở Tây phương, để rồi hình thành cái thế đối lập Duy tâm-Duy vật. Đứa con ra đi, tìm kiếm suốt bao dặm trường mà cái cơ hàn vẫn đeo đẳng, để mặc cha già luôn hướng vọng tìm con. Người cha vẫn hiển hiện đấy nhưng mà con nào đâu có thấy! Làm sao mà thấy được khi đứa con cứ đi xa mãi! Bao bụi trần đã lấp vết thời gian. Nó đã quen với cuộc sống cơ hàn tủi nhục, lòng nó choáng ngợp không dám đón nhận cái thân tình từ đấng Oai Nghiêm; cũng như trí óc con người đã quen với lối suy tư duy lý, nó không còn biết trực nhận linh cảm tươi nhuận từ bản thể thiêng liêng. Nó nhận thức sự vật thông qua những khái niệm, biểu tượng - đó là hình thức trừu tượng hóa cái đa thù. Cái đa thù trở thành khô chết trên mặt biểu tượng. Đứa con Ý Thức thông minh đã bị cơ giới hóa, lòng nó trở nên khô rạn như những cánh đồng hoang liêu dưới sức thiêu đốt của ngày hè. Những gì không thuộc phạm vi biểu tượng của nó thì nó không tiếp cận được. Nó không thấy, không biết. Nó như một người mù giữa đêm hội hoa đăng. Tất nhiên, đứa con không thấy được người cha bởi vì cha của nó tràn ngập cả hư không, phủ trùm mọi hệ thống biểu tượng èo uột. Cái rất lớn rất gần thì mắt thường không thể thấy được, nó trở thành cái mù mịt xa xăm.

Thứ Năm, tháng 3 09, 2006

BẠC ĐẦU NGÂM – QUYẾT BIỆT THƯ (Trác Văn Quân, Thiên Trác dịch)

 


Xuất xứ:

Tương Như nghèo khổ khảy bài Phượng cầu hoàng mà lấy được lòng Trác Văn Quân phú quý và cưới nàng về làm vợ, cuộc sống nghèo khổ qua ngày. Sau đó Hán Vũ Đế lên ngôi, Tương Như được làm Tư Mã. Thời gian Tương Như lên Trường An làm quan chừng đã 5, 6 năm, Trác Văn Quân nhiều lần gửi thư nhưng không được hồi đáp. Tư Mã Tương Như từ ngày phú quý quên tình vợ quê, muốn cưới người con gái ở Mậu Lăng làm thiếp. Tương Như bèn gửi cho Văn quân lá thư chỉ ghi một dãy số: "一、二、三、四、五、六、七、八、九、十、百、千、萬". (một, hai, ba, bốn,năm, sáu, bảy, tám, chin, mười, tram, ngàn, vạn). Trong dãy số đếm này thiếu chứ  (ức – trăm ngàn), chữ này còn có nghĩa là nhớ. Ý của Tư mã như thế đã rõ, ông không muốn nhớ đến tình nghĩa vợ chồng nữa. Văn Quân hiểu được ý đó nên làm bài Bạch Đầu Ngâm gửi cho Tư Mã và kèm thêm phong thư Quyết Biệt. Điều đáng nói là bài thơ của Văn Quân có thêm chữ ức (), tức là vẫn nhớ đến tình nghĩa vợ chồng xưa. Tương Như đọc xong cảm được tình nghĩa ấy nên mới thôi cưới thiếp, sau đó rước Văn Quân lên Trường An.