Chủ Nhật, tháng 8 27, 2006

Dược Sư Như Lai

Vị Y Vương Chữa Trị Những Căn Bệnh Thân và Tâm
Nguyên tác: Geshe Kelsang Gyatso
Thanh Hòa dịch 


Đức Phật Dược sư là một đấng Toàn giác. Để hiểu rõ ngài là ai, bản thể của ngài là gì, vai trò của ngài như thế nào…, trước tiên chúng ta cần hiểu thế nào là một chúng sinh giác ngộ.
Thông thường, “chúng sinh” là chỉ cho bất cứ sinh thể nào cảm nhận được cảm giác (có cảm thọ) – dễ chịu, khó chịu và trung tính. Như thế, chúng ta là những chúng sinh, và các loài sinh vật khác cũng là những chúng sinh; nhưng nhà cửa và cây cỏ thì không phải là chúng sinh bởi vì chúng không có cảm giác. Có hai loại chúng sinh: hàm thức và giác ngộ. Một chúng sinh hàm thức, hay là một sinh thể đang sống, là chúng sinh mà tâm của nó đang bị bóng tối vô minh bao phủ. Một chúng sinh giác ngộ là một chúng sinh đã hoàn toàn thoát khỏi bóng tối của vô minh.

Thứ Tư, tháng 8 23, 2006

Tìm Hiểu Về Sám Hối


1. Giới thiệu

Kinh Đại Bát-niết-bàn có nói: “thế gian có hai hạng người dũng mãnh, thứ nhất là người không làm ác, thứ hai là người đã làm ác mà biết hối lỗi”. Sống trên cuộc đời này mấy ai không phạm phải điều sai quấy, điều quan trọng là phải nhận thức và sửa đổi những lỗi lầm mình đã phạm, có như thế thì cuộc sống mới càng ngày càng tốt đẹp hơn. Đối với người xuất gia, muốn thực hiện con đường giải thoát thì phải hộ trì Thánh giới đã thọ không để cho bị hủy phạm, nếu Thánh giới bị hủy phạm khiến cho giới thể bị ô nhiễm thì cần phải làm cho thanh tịnh trở lại. Lại nữa, các hành vi thiện ác của chúng ta vốn không mất đi mà nó chỉ chuyển sang một dạng tồn tại khác dưới hình thức những năng lực tiềm tàng gọi là nghiệp. Nghiệp ấy đức Phật dạy: “Một khi nghiệp đã được tạo thì trăm ngàn kiếp không mất đi, chỉ chờ điều kiện thuận tiện là phát hiện thành quả”. Vì nghiệp là năng lực dẫn sanh quả báo, cho nên người học Phật cần phải biết cải thiện nghiệp của mình. Xuất phát từ hai lý do hộ trì Thánh giới và tiêu trừ nghiệp này mà đức Phật thiết lập phương pháp sám hối.