Thứ Năm, tháng 12 27, 2007

Lên đỉnh Bà Nà


Chiều buông nắng xuống bên đồi
Mây hồng lơ lững khép đôi môi đào
Thoảng nghe gió hát trên cao
Đưa tay níu với chạm vào nhớ thương

Gió luồn qua núi vấn vương
Khơi trong nếp áo như dường có hoa
Một mình lên đỉnh Bà Nà
Nhặt cây gom lá nhớ ta thuở nào

Rong chơi giữa cõi yên hà
Xăn quần lội suối chim ca gọi bầy
Ta nằm dài dưới cội cây
Đếm ngàn lá rụng tràn đầy hư không

Mặt trời lặng lẽ phiêu bồng
Tìm nơi đỗ bến. Tâm không ta về.


Bà nà - 23/04/07

Thiên Trác.

Thứ Tư, tháng 12 12, 2007

Về Nơi Tịch Mặc



(Truy Tán Hòa Thượng thượng Từ hạ mẫn)

Thầy nằm đó như thiên thu bất tuyệt
Thị hiện tròn đầy Pháp Phật cao thâm
Sinh già bệnh chết - một giấc nồng
Để nhân thế vương lệ buồn tiễn biệt

Thời loạn thế Thầy một đời cao khiết
Tấm thân vô thường sá kể bụi trần ai
Ngược xuôi Trung Nam gầy dựng Thánh tài
Chỉ nguyện nguyện lòng người hoa tâm nở

Đức từ bi Thầy kế thừa nghiệp Tổ
Trồng giống Phật trên mảnh đất nhân sinh
Áo mòn vai gánh lịch sử dặm trình
Đến - Đi bình yên giữa lòng thế thái

Kinh thất đèn khuya hằng thấp thoáng
Bóng dáng Thầy rạng tỏ giữa cô liêu
Duy tuệ thị nghiệp một kiếp phiêu diêu
Chừ quảy dép đi về nơi tịch mặc

Thầy nằm đó tịch nhiên trong chánh định
Thể tan vào từng tiếng niệm Nam Mô
Dấu tích nào hằn in vết hư vô

Mà hóa hiện giữa trần gian huyễn mộng.

Phổ Đà - Đà Nẵng 02/06/2007
Thiên Trác.

Thứ Bảy, tháng 12 08, 2007

Định Hướng Nào Cho Giáo Dục Phật Giáo Cơ Sở Ngày Hôm Nay?

Xã hội phát triển trong sự chuyển mình theo chiều hướng thích nghi, những cái không tự thích nghi dần dần sẽ bị thui chột. Đó là quy luật và cũng là định hướng phát triển cho mỗi một thành viên trong cộng đồng. Phật giáo là tôn giáo có thiết chế mang đậm tính tương tác với xã hội mà trong đó nó tồn tại, tinh thần đó cũng đã được đức Phật bổn sư chú trọng đến trong khi Ngài chế định giới luật cho những đệ tử xuất gia. Thế thì vấn đề phản ứng thích nghi xã hội là cái cần thiết cho Phật giáo chúng ta ngày hôm nay nói chung và Giáo dục Phật giáo (GDPG) nói riêng, cụ thể ở đây là hệ thống giáo dục cấp cơ sở.
Là một thành viên trong một cộng đồng đang có những biến chuyển lớn, nhất là với sự hỗ trợ của ngành công nghệ thông tin, GDPG đang thực sự đối mặt với những nhu cầu cải tiến mà xã hội đòi hỏi. Ngày nay, GDPG đang bước vào một thời đại mới – thời đại hòa nhập xã hội thông tin. Ở đó, cái chậm chạp, thụ đọng, khép kín phải nhường chỗ cho cái nhạy bén, sáng tạo, cởi mở. Con người không còn là những ốc đảo giữa biển sống đa dạng mà phải hòa nhập như một mạng lưới đan xen vào nhau và phủ trùm lên mọi ngõ ngách nhận thức.

Thứ Ba, tháng 11 27, 2007

PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO TRONG KINH TẠNG NGUYÊN THỦY

Kinh điển Phật giáo giai đoạn đầu (hệ kinh Nikāya) ghi lại rằng, sau khi chứng ngộ đạo quả Niết bàn và giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, trở thành bậc ChánhĐẳng Giác, ban đầu đức Phật cảm thấy ngần ngại khi nghĩ đến việc tuyên giảng cho loài người Pháp mà Ngài đã thể chứng (Kinh Trung Bộ - Kinh Thánh Cầu). Đức Thế Tôn ngại rằng Pháp của Ngài quá thâm sâu, những hạng người “đang mải đắm chìm trong tục lụy” khó có thể hiểu được; và sự chứng ngộ ấy vượt lên trên khả năng lãnh hội của họ. Ngài nói:
“Chúng sinh này thì ưa thích những cái được ấp ủ, thích thú với cái được ấp ủ, cho nên Sự Thực này là khó hiểu. Đó là sự sinh khởi do quan hệ y duyên.”(*) (Ariyapariyesanā-sutta, M.i. 167, ālayārāmā kho panāyaṃ pajā ālayaratāya ālaya-sammuditāya duddasaṃ idaṃ ṭhānaṃ yadidaṃ idappaccayatā paṭiccasamuppādo.)(Tuệ Sỹ, Huyền Thoại Duy Ma Cật, NXB Phương Đông, tr 55).
Lúc ấy, Phạm Thiên biết được ý nghĩ ấy nên rất lo lắng, ông ta sợ thế giới “sẽ bị hủy diệt” nếu đức Phật đi vào Niết bàn mà không tuyên giảng đạo giải thoát. Ông liền xuống trần và hiện ra trước đức Phật, thỉnh cầu Ngài hãy vì những chúng sinh đang đau khổ mà ở lại đời để tuyên giảng giáo lý Ngài đã giác ngộ:
“Như người đứng trên đỉnh núi cao
Có thể nhìn khắp những người xung quanh.
Đấng Giác Ngộ, Bậc Biến Tri, cũng như thế,
Ngài hãy ngự lên Pháp Đường.
Đấng Vô Phiền hãy nhìn loài người đây
Đắm chìm trong sầu não, bị sinh già chế ngự.

Hãy đứng lên hỡi vị anh hùng chiến thắng, người dẫn đầu đoàn lữ hành
Bậc hết mọi nợ nần, hãy đi khắp thế gian
Nguyện đức Thế Tôn tuyên giảng Chánh Pháp
Sẽ có những chúng sanh hiểu được.”
(Ariyapariyesanā sutta – Kinh Thánh Cầu)

Cry Me a River


Get this widget | Track details | eSnips Social DNA


Cry Me a River - Diana Krall
Written by - HamiltonFrom - The Look Of Love

Nói gì đây?

Một ngày oi bức trôi qua, để lại sau lưng bao nỗi mệt nhọc, ngồi ôn lại chút dư vị, lắng nghe niềm đam mê chảy về trong tâm thức! Ta như chợt gặp em đâu đó, dáng mộng mị huyền hoặc pha chút dĩ vãng phù du. Có lẽ giờ này ta là kẻ cố quận một thời, và em vẫn dịu dàng như mấy thuở.

Now you say you're lonely

Một tiếng thở dài cho nhịp điệu đơn côi.

You cry the long night through
Well, you can cry me a river
Cry me a river
I cried a river over you

Em khóc cho ai? Cho bản thân hay cho gã khờ. Gã khờ giờ đã mất trí và em không còn là một thuở.

Now you say you're sorry
For being so untrue
Well, you can cry me a river
Cry me a river
I cried a river over you

Khóc! Hãy khóc đi, hãy khóc cho những gì đáng được nâng niu chiều chuộng, cũng như cho những xác dế bên hè. Điều đó sẽ khiến tim em lắng lại.

You drove me, nearly drove me, out of my head

Vâng, drive me out of your head, mine too!

While you never shed a tear
Remember, I remember, all that you said
You told me love was too plebeian
Told me you were through with me and

Và hãy khóc đi, khóc cho một lần dứt bặt mối ngọng nghịu, bởi vì trong em, đó chỉ là chút thực vị mà thôi.

Now you say you love me
Well, just to prove that you do
Come on and cry me a river
Cry me a river
I cried a river over you
I cried a river over you
I cried a river...over you...

Và rồi, một bận nhìn lại dĩ vãng, một bận hạnh ngộ với cõi lòng, thấy lại trời kia sao mà xanh thế, đồng cỏ kia sao mượt mà dáng dấp ban sơ. Để rồi:

I cried a river...over you...

Thứ Bảy, tháng 11 24, 2007

BIA RƯỢU – MỘT SỰ THỊNH HÀNH NGUY HẠI

Mỗi chiều tối xuống phố, tôi có cảm tưởng như thế giới đang chếch choáng trong hơi men. Rất nhiều con phố nhộn nhịp những quán xá, tiếng cụng ly chan chát xen lẫn tiếng nói cười. Người ta nói, người ta cười để rồi chết lịm trong đêm tối, bỏ lại ngày mai trong dư vị đắng nồng. Từ nông thôn đến thị thành, uống bia rượu đã trở thành một hoạt động cuối ngày của mọi người, đặc biệt là nam giới. Hoạt động này đã trở thành hiển nhiên với rất nhiều người, thậm chí đối với cả những người không tham gia uống nhưng trực tiếp hoặc gián tiếp chịu ảnh hưởng của nó, đó là các người mẹ, người vợ.
Tình trạng thịnh hành
Vấn đề sử dụng bia rượu đã có từ lâu đời, nhưng càng ngày nó càng trở thành lạm dụng nghiêm trọng cho cá nhân và xã hội. Ngày xưa, một người say rượu có thể dùng dao đâm chết một vài người, nhưng ngày nay gã ta có thể dùng súng xả vào vô số người, hoặc lái xe đâm vào người đi đường gây nên những tai nạn khủng khiếp. Dù con người đã có nhiều nỗ lực nhằm hạn chế việc lạm dụng chất nguy hại ấy nhưng thực tế nó vẫn tăng thịnh. Theo sự thống kê mới đây của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), có khoảng 62 triệu người nghiện rượu trên thế giới, và nạn nghiện bia rượu ở những nước có nền kinh tế kém và đang phát triển là đáng lo ngại nhất. Ở một số nước Châu Á, như Nhật Bản, Việt Nam, uống bia rượu trở thành nhu cầu đòi hỏi trong làm ăn. Quán bia rượu trở thành “văn phòng mở rộng”, nhiều giao kèo quan trọng được ký kết tại nơi sặc mùi men này, thậm chí người ta còn trích ra một khoản tiền gọi là “tiền nhậu”.

Chủ Nhật, tháng 10 28, 2007

BIỂN ĐÀ THÀNH CHIỀU MƯA

Biển Đà Thành chiều cuối thu gió lạnh

Se se lòng khách lữ ngắm mưa rơi

Ngọn sóng triều ngạo nghễ cuộn biển khơi

Từng lớp bạc phủ lên bờ cát vắng

 

Cát im lìm nằm nghe lời mưa nắng

Nắng quái đi rồi, mưa giận dỗi gầy hao

Cát bao đời vẫn hiền dịu thanh tao

Như đêm nào biển vọng về nỗi nhớ

 

Đất Đà Thành trầm ngâm lời sóng vỗ

Vỡ tan vào hạt cát hóa tinh khôi

Tình kết thành hạt muối mặn trùng khơi

Mỗi đêm xuống nghe biển về thổn thức.


- Đà nẵng 28/10/2007

Thứ Năm, tháng 10 18, 2007

Chánh Niệm Ở Một Tầng Nghĩa Sâu Hơn


Thubten Chodron
Thanh Hòa dịch
Một trong những người đến thăm hội tu sỹ Phật giáo của chúng tôi - Sravasti Abbey – đã hoan hỷ làm những bảng lưu ý cho những vị khách khác. Tại quầy trà cô ta viết, “Xin vui lòng lau sạch chỗ bị đổ. Cảm ơn quý vị đã giữ chánh niệm.” Một bảng lưu ý khác trên một cánh cửa nói rằng, “Xin vui lòng đóng cửa nhẹ nhàng. Cảm ơn quý vị đã giữ chánh niệm.” Tôi đã bắt đầu băn khoăn không biết cô ta muốn nói gì qua chữ chánh niệm. Dường như nó đã trở thành một từ khác nữa trong số những từ thông dụng của Phật giáo, chẳng hạn như nghiệp, mà nhiều người dùng nhưng ít ai hiểu được.

Thứ Sáu, tháng 10 12, 2007

Những thách thức đối với Tăng già trong thế kỷ XXI



Ven. Bhikkhu Bodhi
Thanh Hòa dịch

Tăng đoàn là đại diện của đức Phật tồn tại ở thế gian. Đó là giáo đoàn gồm những Tì kheo và Tì kheo ni, những vị xuất gia truyền thừa qua nhiều thế hệ, sống theo tinh thần giới luật của Phật chế định. Hơn 2500 năm qua, với sự truyền thừa, Tăng đã duy trì và phát triển Giáo pháp của đức Phật, khiến cho gia tài Chánh pháp của Ngài không bị mai một.
Thế nhưng, Tăng đoàn của đức Phật sẽ tiếp tục tồn tại được bao lâu?

Thứ Năm, tháng 8 02, 2007

Hát Cho Tình Yêu và Phạm Hạnh

Nhiều người nghĩ rằng đức Phật chúng ta chỉ dửng dưng trong cõi Tam-ma-địa chất ngất hương thoát tục, nói chi đến việc dâng tặng Ngài những lời nỉ non từ một trái tim đẫm lệ tình. Thế mà chuyện lại có thật, có ghi chép hẳn hòi trong Kinh tạng được gọi là nguyên thủy nhất: A-hàm (Hán Tạng) hay Nikaya (Pali). Hệ kinh này là thế giới nghiêm cẩn của chư vị Trưởng lão A La Hán, trong đó có đức Phật Bổn Sư của chúng ta. Đọc bài kinh Thích Đề Hoàn Nhân Vấn[1], [kinh thứ 14 của Trường A hàm, tương đương bản Pali Sakkapañhā-suttam trong Nikaya], dù là người có trái tim với độ rung cảm trung bình nhất cũng không khỏi thốt lên sự ngạc nhiên trước giây phút đồng điệu giữa một tâm hồn tục lụy với một Thánh cách vĩ đại đã diệt hết các ái nhiễm triền phược.