Thứ Năm, tháng 9 06, 2012

Học Là Một Đức Hạnh Cao Quí


Từ xa xưa, loài người đã biết đề cao vai trò của tri thức, do vậy đức Khổng Tử mới có câu nói: Quân - Sư - Phụ, nghĩa là người thầy còn cao hơn cả người cha sinh thành. Sự quan trọng ở đây không phải ở khía cạnh quyền uy hay bổn phận mà chính là tôn trọng vai trò tri thức mà người thầy có thể khai mở cho người học trò.
Cái học nâng cao sự hiểu biết và cũng từ đó nâng cao nhân phẩm và nhân cách của con người. Không học, không có tri thức, con người không còn phân biệt được đạo lí, không biết chế ngự những tâm lí thấp kém trong bản thân, huống gì là Phật đạo nhiệm mầu cao thâm làm sao có thể thấy. Sẽ có người biện lí, học không thấy được đạo. Vâng, chỉ học thôi tất nhiên không phải là con đường rốt ráo trong Phật đạo, nhưng nó là nền tảng cho sự nhận thức, cho sự quyết trạch và thực hành các pháp tu. Đó là lí do mà tất cả kinh điển Phật Giáo đều nhấn mạnh yếu tố trí tuệ, hoặc thấp hơn, đó là tuệ minh sát: là khả năng phân biệt những gì đang đến với chúng ta. Đó là thâm ý của chư vị Tổ sư khi trước tác các bộ luận ngõ hầu xây dựng cho kẻ hậu học khả năng nhạy bén trong nhận thức. Đó là ý nghĩa của hành trình tầm sư học đạo gian lao của Thiện tài Đồng tử trong kinh Hoa Nghiêm nhiệm mầu, chàng thanh niên này vâng theo lời của thầy mình là Bồ tát Văn Thù đã đi tham vấn tất cả 53 vị có trí tuệ chuyên sâu ở mọi khía cạnh của cuộc sống.

Thứ Sáu, tháng 7 13, 2012

Phố Núi Dharamsala

Chiều Dharamsala
Sương mù che đỉnh núi
Thấp thoáng bóng người đi cuối con đường khúc khỉu
Hạt mưa ngàn rơi ướt nửa bờ vai

Chiều nghiêng nghiêng hay phố núi nghiêng
Cho lòng chơi vơi nhịp thở
Sương mờ rồi lại tan
Thoáng chút buồn trên năm tháng đi qua.

Dharamsala, 12/07/2012
Thiên Trác.

Thứ Bảy, tháng 5 19, 2012

Cầu nguyện trong Phật Giáo


Đức Phật nhấn mạnh rằng, để nhận ra tính linh thánh của chúng ta - tức Phật tánh hay giác tánh - chúng ta phải tìm từ bên trong, không phải từ bên ngoài.
Có nhiều truyền thống và bộ phái trong Phật giáo, cũng giống như có nhiều giáo phái ở trong các tôn giáo khác. Những truyền thống Phật giáo khác nhau có những lễ nghi, pháp tu khác nhau nhưng chúng đều có chung một giáo lý căn bản của đức Phật, giáo lý ấy được tóm tắt ở trong Tứ Đế và Bát Chánh Đạo. Ở đây chúng ta không thảo luận về nội dung giáo lý ấy mà chỉ bàn đến vai trò của cầu nguyện trong Phật giáo.
Trong khi bàn đến nội dung đó, chúng tôi muốn chia sẻ một số trích dẫn từ những truyền thống Phật giáo và những đạo sư khác nhau, tiếp đó sẽ trình bày một số những nhận định của bản thân. Nên nhớ trong Phật giáo, từ “thiền” được dùng thường xuyên hơn từ “(cầu) nguyện”, nhưng cả hai từ đều được dùng để chỉ một phương pháp tu tập bản thân, mặc dù có những sự khác biệt trong mục đích và cấu trúc. Điều này sẽ được giải thích ở đoạn sau.

Thứ Bảy, tháng 1 28, 2012

Xuân tha hương

Xuân tha hương chút tình gửi về thăm
Nơi quê nhà mẹ có còn thương nhớ
Nồi bánh trông chừng ửng hồng bếp lửa
Tro bay ngày nào bụi hãy còn cay

Trước ngõ năm này mai có nở hoa
Vồng cải xanh trổ bông vàng trong nắng
Cha dọn vườn đón tuổi trời ban tặng
Tuổi trời cao, ngày tháng cũng hư hao

Đàn em nhỏ trong áo mới vui cười
Chạy tung tăng đón xuân về khắp lối
Cô em nhà bên ánh mắt bổi hổi
Mong tình xuân mang đến chút duyên may

Xuân quê người tìm hơi ấm bàn tay
Nhưng bàn tay cũng buốt vì giá lạnh
Chỉ còn đây cả một niềm cô quạnh
Ước sao xuân đừng đến ở nơi này.

Chiều Delhi, mồng 6 Tết Nhâm Thìn
Thiên Trác.

Thứ Sáu, tháng 1 27, 2012

ĐIỆP LUYẾN HOA - Tô Thức

蝶戀花

 - 

 

花褪殘紅青杏小,

燕子飛時,

綠水人家繞。

枝上柳綿吹又少,

天涯何處無芳草!

牆裏鞦韆牆外道,

牆外行人,

牆裏佳人笑。

笑漸不聞聲漸悄,

多情卻被無情惱。


 

Âm Hán Việt:

 

Hoa thối tàn hồng thanh hạnh tiểu

Yến tử phi thời

Lục thủy nhân gia nhiễu

Chi thượng liễu miên  xuy hựu thiểu

Thiên nhai hà xứ vô phương thảo!

Tường lý thiên thu, tượng ngoại đạo

Tường ngoại hành nhân

Tường lý giai nhân tiếu

Tiếu tiệm bất văn, thanh tiệm tiêu

Đa tình khước bị vô tình não.

 

 

Dịch thơ:

 

Bướm quyến luyến hoa 

 

Ôi cành hạnh xanh xanh, sắc hoa úa tàn

Chim én bay về

Mọi người đi quanh dòng suối

Trên cành hoa liễu bay man mác

Chân trời nơi nao chẳng là cỏ xinh!

Tường trong chiếc đu, tường ngoài con đường nhỏ

Tường ngoài người đi

Tường trong giai nhân cười

Tiếng cười dần không nghe, âm thanh dần mờ nhạt

Kẻ vô tình hờ hững khiến khách đa tình não nề.

 

Thiên Trác dịch

- 27 January 2012

Chủ Nhật, tháng 1 22, 2012

Tết quê người

Mùa Xuân đến trên quê người lạnh giá
Tết xa nhà nên lòng cứ bâng khuâng
Ánh lên trong mắt cả một chiều xa quá
Bước lang thang bỗng thấy ngại ngùng.

Những mùa xuân dệt bao nỗi nhớ mong
Giăng mắc hồn giữa cõi lòng viễn xứ
Thêm xuân nữa với bao tình ấp ủ
Nghe buồn rơi đồng vọng tháng năm xưa.

Lòng chợt thèm chút dư vị ấm nồng
Của tình thân giữa những lời mời mọc
Sẽ bớt bơ vơ tháng ngày lạc lõng
Cành mai chờ ươm nắng nở đầy bông.

Delhi, chiều 30 Tết Nhâm Thìn.
Thiên Trác.