Thứ Tư, tháng 11 03, 2021

NHÂN QUẢ ĐỒNG THỜI

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường nhận thức không-thời gian như những sự vật hiện tượng có thật (thực thể). Dựa trên nhận thức đó, Nhất Thiết Hữu Bộ—một trường phái Phật Giáo thời kỳ đầu—chủ trương thời gian thực sự tồn tại qua ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai (tam thế thật hữu). Cũng như thế, trong Vật lý học cổ điển, không-thời gian cũng được xem là những định tính của thực tại.

Tuy nhiên, khi đi sâu vào chiêm nghiệm thực tại bằng trí tuệ vô phân biệt, Phật Giáo Đại Thừa thấy rằng vạn vật liên quan mật thiết với nhau. Thế giới không còn là những cá thể riêng lẻ rời rạc mà là một thể dung nhiếp thống nhất. Không-thời gian do đó chỉ là những khái niệm mang tính quy ước không có thực thể. Để diễn bày cảnh giới này, Phật Giáo Đại Thừa nhiều khi phải phá vỡ những khái niệm khuôn mẫu mà dùng đến những hình thức phủ định. Không-thời gian vì thế trở thành phi không-thời gian. Bồ tát Long Thọ từng nói:

“Nhân sự hữu mà có thời gian, vậy lìa sự hữu thì làm sao có thời gian?

Không có sự hữu nào tồn tại, vậy từ đâu mà có thời gian?”[1]