Chủ Nhật, tháng 5 31, 2009

KIM CANG TỨ TƯỚNG: Nơi tâm Không mở bày cõi Diệu Hữu


Phật Giáo nói đến cái Không không phải để thu mình trong tư thái tiêu cực mà chính là để mở ra chân trời hoạt dụng của cái Diệu Hữu, để Bồ-tát đi lại trong sáu nẻo luân hồi thực hiện sự nghiệp độ sinh. Trung Luận nói: “Nhất thiết pháp không”, lại nói: “Dĩ hữu không nghĩa cố, nhất thiết pháp đắc thành.”[1] Nhất thiết pháp không là hết thảy các pháp vốn không có tự tánh. Chính bởi các pháp vốn không có tự tánh nên mới có sự chuyển y, mới có niết bàn—nhất thiết pháp đắc thành.

Kinh Kim Cang như lưỡi tầm sét của trời Đế Thích giáng xuống quan niệm hữu ngã, đập vỡ thế giới ngã ái, ngã dục, hiển bày thế giới phi hữu, vô trụ. Thế giới được nhìn dưới nhận thức vô ngã là quan điểm chủ đạo của Kinh Kim Cang. Vô ngã luận hay tâm không là nơi Bồ-tát trụ tâm, là điểm để từ đó Bồ-tát phóng chiếu thành con đường vạn hạnh. Thực hành vạn hạnh với tâm vô trụ là diễn bày cõi Diệu Hữu qua con đường Bồ-tát hàng phục tâm. Nhưng vì, ngã chấp là kiến chấp cố hữu nhất của chúng sinh, đặc biệt đối với người Ấn Độ, quan niệm về tự ngã được phân chiết một cách sâu xa, cho nên Kinh Kim Cang đưa ra bốn khái niệm về tự ngã gọi là tứ tướng—ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tướng—và phủ định chúng một cách triệt để. Triệt phá ngã chấp chính là để hiển bày cái không-tự-tánh vốn có của vạn hữu.