Thứ Sáu, tháng 9 16, 2011

Độc Cư Tâm Thức

Thế giới chúng ta đang sống là trường trôi chảy của các pháp hữu lậu được dẫn sanh bởi nghiệp cảm chung của những tâm thức tham ái, si mê. Trong kinh, Đức Thế Tôn gọi toàn thể của sự trôi chảy đó, gồm hữu tình và vô tình, là thế gian (loka, từ này vốn có từ trước thời đức Phật, nhưng đến khi được đức Phật sử dụng thì nó mang nhiều ý nghĩa hơn, và phạm vi biểu tượng cũng sâu rộng hơn) để nói lên tính chất hệ phược, lậu thất và nhiệt não của nó. Trong môi trường đó, hay nói đúng hơn, do tập quán tích tập từ vô thỉ, tâm thức của chúng ta không ngừng hướng vọng đến các pháp bên ngoài thuộc ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Chính sự hướng vọng tìm cầu đó mà các pháp hữu lậu càng ngày càng hưng thịnh, điều kiện sanh tử ngày một dệt thêu. Đức Thế Tôn từ sau khi giác ngộ dưới cội Bồ đề, suốt cuộc đời giáo hóa của mình chỉ nêu bày con đường đưa chúng sanh xa lìa các pháp sanh tử, đạt đến Niết bàn an lạc. Để đối trị tâm lý vọng động mang nặng tham ái của chúng sanh, đức Thế Tôn thường giảng về hạnh độc cư tâm thức giúp hành giả đình chỉ tâm lý tham ái, chấp trước mà quay về quán chiếu thực tại để chuyển hóa nội tâm.

Thứ Sáu, tháng 9 02, 2011

ĐỨC PHẬT TRONG PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA

Paul Williams và Anthony Tribe
Thích Thanh Hòa dịch[1]
Một số bộ kinh làm nền tảng cho Phật Giáo Đại thừa: Hoa Nghiêm (Avataṁsaka), Pháp Hoa (Saddharmapuṇḍarīka) và Thiện Phương Tiện (Upāyakauśalya)
Trước hết xin giới thiệu sơ lược những nét chính của hai bộ kinh Đại thừa lớn ở Ấn Độ mà chúng đã trở nên đặc biệt quan trọng trong Phật Giáo Đông Á. Đó là bộ Kinh Hoa Nghiêm (Avataṁsaka Sūtra) đồ sộ, phức hợp và bộ Kinh Pháp Hoa (Saddharmapuṇḍarīka Sūtra) nổi tiếng. Kinh Thiện Phương Tiện (Upāyakauśalya Sūtra) sẽ giữ vai trò nguồn kinh điển bổ sung cho một trong những giáo lý chính của Kinh Pháp Hoa - giáo lý phương tiện thiện xảo (upāyalupāyakauślya).
Kinh Hoa Nghiêm là một bộ kinh phức hợp, rất có thể một số phần đã được tạo nên tại Trung Á, nơi mà có lẽ toàn bộ bộ kinh được kết tập lại và hoàn thiện. Nhiều phần của bộ kinh phức hợp này chắc chắn đã lưu hành ở Ấn Độ như là những bản kinh độc lập theo cách riêng của chúng. Quan trọng nhất trong số ấy là bản kinh nói về 10 giai đoạn của con đường Bồ-tát dẫn đến Phật quả - Thập Địa Kinh (Daśabhūmika sūtra), và đỉnh cao của Hoa Nghiêm (Avataṁsaka) được biết đến dưới cái tên Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh (Gaṇḍavyūha Sūtra). Đây là một bộ kinh đặc biệt, nó sử dụng chủ đề Avataṁsaka (Hoa Nghiêm) với việc nâng ngôn ngữ lên một phạm trù cao hơn để cố gắng thể hiện diện mạo của thế giới giống như đức Phật nhìn thấy. Cảnh giới đó được nói là ‘bất khả tư nghị, không chúng sinh nào có thể thăm dò trắc lượng …’ (Avataṁsaka Sūtra, Cleary dịch).[2] Bởi vì đó là một cảnh giới mà trong mỗi vi trần của mỗi thế giới hiện ra chư Phật và các cõi Phật. Đó cũng là sự dung nhiếp vô hạn: ‘Các Ngài … nhìn thấy những cảnh giới đầy các chúng hội, chúng sinh và chư thần, và số lượng cảnh giới ấy nhiều như vi trần, tất cả đều hiện lên trong mỗi vi trần’ (Gomez dịch).[3] Tuy nhiên, dù với sự dung nhiếp vô hạn, mọi vật vẫn không hề bị lẫn lộn, mỗi sự vật nhỏ nhiệm đều giữ đúng vị trí của chúng. Chư Phật và các vị đại Bồ-tát mãi mãi thực hiện vô số hạnh nguyện cứu độ chúng sinh, khuyến khích các đức Phật và Bồ-tát khác hiện ra ở đời để cứu độ.